Mỹ - Thị trường khách triển vọng của Việt Nam
Cập nhật: 13/12/2019
(TITC) - Mỹ là nền kinh tế lớn nhất toàn cầu và cũng là quốc gia có ngành du lịch rất phát triển. Mỹ có số dân đứng thứ ba trên thế giới với hơn 327 triệu người (ước tính 2018) và có GDP bình quân đầu người đứng thứ 7 thế giới. Nhu cầu đi du lịch nước ngoài của người dân Mỹ khá cao. Mỹ luôn là thị trường có số lượng người đi du lịch, cùng với chi tiêu du lịch đứng vào nhóm hàng đầu thế giới.
 
(Ảnh minh họa - Nguồn: Internet)
 
Liên tục trong 5 năm gần đây, 2014-2018, du lịch outbound Mỹ tăng trưởng khá ổn định cả về số lượt khách cũng như chi tiêu của khách outbound. Số người Mỹ ra nước ngoài đều tăng hàng năm, với tốc độ tăng trưởng bình quân là 7,98%.
 
Hình 1: Số khách Mỹ ra nước ngoài và chi tiêu đều tăng qua các năm, 2014-2018
 
 
Nguồn: tổng hợp từ travel.trade.gov (NTTO)
 
Số lượt khách Mỹ ra nước ngoài năm 2017 là 87,55 triệu lượt. Năm 2018 là 92,66 triệu lượt, tăng 5,84%. Số người Mỹ ra nước ngoài xấp xỉ bằng 1/15 tổng số lượt khách du lịch quốc tế trên toàn cầu (1.403 triệu lượt).
 
Trong số người Mỹ ra nước ngoài năm 2018, hơn một nửa là đến Bắc Mỹ (Mê-hi-cô và Ca-na-đa), chiếm 54,9%; đến châu Âu 19,1%, Ca-ri-bê 9,4%, châu Á 6,7%, Trung Mỹ 3,5%, Trung Đông 2,6%, Nam Mỹ 2,3%, châu Đại Dương 0,9%, và châu Phi 0,5%.
 
Về chi tiêu, năm 2018, Mỹ đứng thứ hai thế giới về tổng chi tiêu du lịch ra nước ngoài với 144,2 tỷ USD (sau Trung Quốc), tăng 6,8% so với 2017 (135 tỷ USD).
 
Xét theo khu vực, Châu Á là khu vực đón số khách Mỹ đứng thứ tư với 6,25 triệu lượt năm 2018, tăng 8,4% so với 2017 (5,77 triệu lượt). Số khách Mỹ đến châu Á đều tăng trong 5 năm qua 2014-2018, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 8,5%.
 
Trung Quốc là điểm đến thu hút lớn khách du lịch Mỹ. Đối với các nước ASEAN, theo số liệu tổng hợp của PATA năm 2018, Thái Lan đón khách Mỹ nhiều nhất, với 1.123,2 nghìn lượt; tiếp đến Phi-
 
lip-pin (1.034,4 nghìn), Việt Nam (687,2 nghìn), Xin-ga-po (643,16 nghìn), In-đô-nê-xia (387,3 nghìn), Ma-lai-xi-a (253,38 nghìn).
 
Hình 2: Khách Mỹ đến Việt Nam và một số nước ASEAN, 2017-2018 (nghìn lượt)
 
 
 
Nguồn: tổng hợp từ PATA
 
Hình 3: Chi tiêu của khách Mỹ tại một số nước ở châu Á, 2017 (triệu đô)
 
 
Nguồn: tổng hợp từ https://travel.trade.gov;
 
(*): tổng hợp tính của người viết dựa trên kết quả điều tra 2017 của TCDL
 
Khách Mỹ đến Việt Nam
 
Trong nhiều năm qua, thị trường khách Mỹ liên tục đứng trong tốp 5 thị trường nguồn về số lượt khách đến Việt Nam. Năm 2018 đạt 687,2 nghìn khách, chiếm 4,4% trong tổng số khách đến Việt Nam; Tốc độ tăng trưởng bình quân trong giai đoạn 2014-2018 là 11,55%.
 
Số lượt khách Mỹ đến Việt Nam bằng khoảng 11% trong số lượt khách Mỹ đến châu Á. Tuy nhiên trong số khách Mỹ, số khách là Việt kiều chiếm tỷ lệ khá lớn.
 
Khách Mỹ đến Việt Nam chủ yếu bằng đường không, và một phần nhỏ từ đường biển. Theo số liệu tổng hợp từ kết quả điều tra khách du lịch quốc tế đến Việt Nam năm 2017 của TCDL, tỷ lệ tương ứng là 90,2% và 6,0%; số còn lại chiếm 3,8% đến bằng các phương tiện khác.
 
Cũng theo kết quả cuộc điều tra này, không tính khách Việt kiều, có 83% khách Mỹ đến Việt Nam để tham quan, nghỉ dưỡng; 9,6% vì công việc, 4,8% thăm bạn bè, người thân.
 
Nhìn chung khách Mỹ có chi tiêu khá cao và thời gian lưu trú khá dài. Chi tiêu bình quân của một lượt khách Mỹ là 1.438 USD, trong đó khách có nghỉ đêm tại CSLT là 1.592,3 USD; cơ cấu chi tiêu chủ yếu cho: thuê phòng (28,9%); ăn uống (25,01%), đi lại tại Việt Nam (12,07%), mua sắm, tham quan,… Độ dài chuyến đi bình quân là 13,57 ngày. Khách tham quan trong ngày có chi tiêu bình quân một lượt khách là 161 USD. Ước tính tổng chi tiêu của khách Mỹ tại Việt Nam năm 2018 là 22.300 tỷ đồng (khoảng 988 triệu USD), đứng thứ 3 (sau số chi tiêu của khách Trung Quốc và Hàn Quốc). Nếu về số lượng khách đến chiếm 4%, thì chi tiêu của khách Mỹ chiếm 5,8% trong tổng chi tiêu của khách quốc tế đến Việt Nam.
 
Hình 4: Khách Mỹ đến Việt Nam, 2014-2018
(lượt khách)
 
 
 
Hình 5: Khách Mỹ đến Việt Nam chia theo tháng, 2016-2019
 
(lượt khách)
 
 
Nguồn: Tổng hợp từ Tổng cục Thống kê
 
Khách Mỹ đi theo tour chiếm 35,5%. Về lựa chọn nghỉ tại các CSLTDL trong chuyến đi đến Việt Nam, số khách nghỉ tại CSLTDL cao cấp khá cao, tại 5 sao chiếm 21,6%; tại 4 sao là 38%.
 
Khách Mỹ đã đặt mua dịch vụ trực tuyến chiếm 60,4% (chủ yếu cho phương tiện vận chuyển, lưu trú, và tour du lịch).
 
Thuận lợi phát triển thị trường khách Mỹ đối với du lịch Việt Nam
 
Đất nước Việt Nam đã và đang thu hút được sự quan tâm của người Mỹ, đặc biệt cả những nhân vật nổi tiếng có ảnh hưởng đến công chúng, những kênh truyền thông lớn. Việt Nam đã được chọn là nơi tổ chức những sự kiện lớn có tầm ảnh hưởng quốc tế.
 
Năm 2016, có 5 địa danh nổi tiếng của Việt Nam được chọn làm bối cảnh quay cho bộ phim bom tấn Kong Skull Island của Mỹ. Thông qua đó, những danh lam thắng cảnh của Việt Nam được quảng bá rộng rãi và được đánh giá rất cao trên phạm vi quốc tế.
 
Tháng 2/2019, cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai được tổ chức tại Hà Nội, Việt Nam. Sự kiện này khẳng định vị thế điểm đến Việt Nam trong cộng đồng quốc tế và vai trò trong gìn giữ hòa bình, sự kiện chính trị lớn tầm quốc tế.
 
Hiện nay, tại Việt Nam đã có sự hiện diện của khá nhiều tập đoàn quản lý khách sạn lớn của Mỹ như Hilton, Wyndham, JW Marriott, Best Western International, Starwood, Hyatt.
 
Thời gian gần đây, nhiều trang web, tạp chí, kênh truyền hình nổi tiếng của Mỹ đã tôn vinh về điểm đến, dịch vụ du lịch của Việt Nam. Điển hình như Chương trình Good Morning America của kênh ABC đã phát sóng ca ngợi Sơn Đoòng - kỳ quan thiên nhiên thế giới có một không hai; kênh CNN bình chọn ẩm thực Việt Nam, quảng bá Hà Nội; Tạp chí National Geographic công bố dãy Hoàng Liên Sơn với tuyến cáp treo kỷ lục Guinness Fansipan Sa Pa trong top 28 điểm đến hấp dẫn nhất thế giới (2018), TripAdvisor công bố Thủ đô Hà Nội xếp thứ 15 trong danh sách 25 địa điểm tốt nhất trên thế giới để đi du lịch trong năm 2019,...
 
Hiệp hội Du lịch Mỹ (USTOA) đánh giá Việt Nam là 1 trong 10 điểm đến hấp dẫn nhất thế giới trong năm 2019. Việt Nam chỉ xếp sau Nhật Bản trong khu vực châu Á về mức độ hấp dẫn với du khách Mỹ.
 
Hợp tác quốc tế và các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch
 
Xác định rõ thị trường khách Mỹ có nhiều tiềm năng để phát triển, Du lịch Việt Nam cũng đã tổ chức chuỗi sự kiện xúc tiến du lịch Việt Nam tại Mỹ liên tục trong 2 năm 2018, 2019. Qua Chiến dịch “Vietnam NOW”, hình ảnh về đất nước Việt Nam hòa bình, tươi đẹp, đang phát triển, nền văn hóa đặc sắc cùng với con người mến khách, thân thiện được giới thiệu tại Mỹ. Hàng loạt sản phẩm du lịch cũng được thông tin tới khách Mỹ như du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch khám phá, trải nghiệm, du lịch mạo hiểm, du lịch tàu biển, du lịch thăm lại chiến trường xưa… 
 
Một vài địa phương, doanh nghiệp của Việt Nam đã tham gia hội chợ, tổ chức giới thiệu du lịch tại Mỹ hoặc qua kênh truyền hình của Mỹ như Hà Nội, Quảng Bình, Saigontourist...
 
Cuối tháng 8 vừa qua, Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ mở trang thông tin quảng bá văn hóa du lịch.
 
Từ tháng 4/2017, Hiệp hội Lữ hành Mỹ (ASTA) đã ký thỏa thuận hợp tác với Hiệp hội Lữ hành Việt Nam nhằm thúc đẩy các hoạt động hợp tác du lịch giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. ASTA là hiệp hội lữ hành lớn nhất thế giới với trên 10.500 hội viên từ 140 quốc gia và vùng lãnh thổ.
 
Kết nối hàng không đang có chiều hướng thuận lợi
 
Vietnam Airlines và hãng hàng không lớn thứ hai tại Mỹ - Delta Air Lines đã ký kết mở rộng hợp tác liên danh linh hoạt hai chiều (vào tháng 8/2019), điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho du khách dễ dàng ghé thăm những điểm đến nổi tiếng tại Việt Nam và Mỹ.
 
Vietnam Airlines trở thành hãng hàng không đầu tiên của Việt Nam được Bộ Giao thông Vận tải Mỹ cấp giấy phép vận chuyển hành khách và hàng hóa tới Hoa Kỳ.
 
Đặc điểm của thị trường khách Mỹ đi ra nước ngoài (outbound):
 
Mùa cao điểm khách Mỹ ra nước ngoài thường rơi vào Tháng 6 và Tháng 7 vào kỳ nghỉ hè của học sinh, sinh viên (từ Tháng 6 đến Tháng 8) và Tháng 11 khi sắp đến Lễ Nô-en.
Khách Mỹ đến Ca-na-đa và Mê-hi-cô là chủ yếu, tiếp theo đến châu Âu.
Về nghề nghiệp, 41% khách Mỹ làm việc trong lĩnh vực quản lý hành chính, thương mại, khoa học nghệ thuật.
Khách Mỹ ưa thích đi du lịch theo hình thức tự lập hay tự sắp xếp (self-planned itineraries) (56%), 20% lựa chọn đi theo tour theo đoàn.
Phần lớn người Mỹ đi du lịch không có trẻ em đi cùng. 63% đi một mình, đi cùng gia đình chỉ chiếm 12%.
Chọn cơ sở lưu trú: 63% thích nghỉ tại khách sạn; 41% thích chọn nghỉ tại các nhà riêng và thường có thời gian lưu trú dài.
Nguồn thông tin ảnh hưởng đến quyết định đi du lịch nước ngoài: xu hướng tìm hiểu thông tin qua website tăng nhiều hơn so với ý kiến từ gia đình, bạn bè. TripAdvisor có ảnh hưởng khá lớn. ngoài ra có airbnb.com, expedia.com,…
 
Về chi tiêu, độ dài chuyến đi và một số thông tin khác liên quan thị trường outbound Mỹ, theo Báo cáo phân tích khách outbound (Tháng 8, 2018) của Cơ quan Quản lý Thương mại quốc tế (ITA) thuộc Cục Thương mại (Department of Commerce) của Mỹ (dựa trên dữ liệu năm 2017)
 
Mục đích chuyến đi: 56% nghỉ dưỡng, 27% thăm bạn bè, người thân; công việc chiếm 8%; học tập 4% và hội họp 3%.
Người Mỹ ưa thích tham quan khám phá, du lịch ngoại ô, nông thôn, mua sắm. Ngoài ra, họ cũng ưa thích thăm di tích lịch sử, trải nghiệm ẩm thực, tour có thuyết minh, thăm bảo tàng, trưng bày nghệ thuật, di sản văn hóa, dân tộc, thăm vườn quốc gia, và giải trí tại câu lạc bộ đêm.
Độ dài thời gian chuyến đi trung bình 16,6 đêm (giảm nhẹ so với năm 2016).
Người Mỹ quyết định chuyến đi trung bình trước 104 ngày và đặt vé máy bay trước 74 ngày.
Hơn 40% khách đặt dịch vụ trực tiếp qua hãng hàng không, dịch vụ qua internet là 33% và qua hãng lữ hành chiếm 16%.
Số người Mỹ ra nước ngoài lần đầu trong năm 2017 chiếm 7%; số lần bình quân ra nước ngoài trong 12 tháng gần nhất là 2,5 lần. Số điểm đến (quốc gia/vùng lãnh thổ) trong một chuyến đi bình quân 1,8 điểm.
Chi tiêu bình quân 1 lượt khách 1 chuyến đi là 1.476 USD, không kể chi bình quân cho vé máy bay quốc tế là 1.085 USD.
Hơn ½ số người Mỹ thanh toán bằng thẻ tín dụng, chiếm 58%; sử dụng tiền mặt hoặc rút tiền qua ATM hoặc mua hàng bằng thẻ ghi nợ chiếm 42%.
 
Người Mỹ đi nước ngoài, phần lớn sống tại các bang:
 
- Các tiểu bang Nam Đại Tây Dương (South Atlantic States) (gồm Florida, Georgia, Virginia, Washington, D.C., Maryland và North Carolina) chiếm 24%
 
- Các tiểu bang Trung Đại Tây Dương (Middle Atlantic States) (gồm New York, New Jersey và Pennsylvania) chiếm 20%
 
- Các tiểu bang Thái Bình Dương (Pacific States) (Bờ Tây) (California và Washington) chiếm 18% khách ra nước ngoài.
 
(Theo báo cáo nghiên cứu năm 2016 của BeyonSummit và ASTA dựa trên số liệu năm 2015).
 
Một số đề xuất
 
Thị trường khách Mỹ đang có triển vọng đối với du lịch Việt Nam. Chúng ta đang hướng đến mục tiêu đón 1 triệu khách Mỹ trong thời gian tới. Tuy nhiên có nhiều thuận lợi và cả trở ngại đan xen trong việc phát triển thị trường này, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh giữa các điểm đến quốc gia, cùng với khoảng cách địa lý xa và hiện vẫn chưa có đường bay thẳng giữa hai quốc gia.
 
Để thu hút khách từ thị trường này, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác xúc tiến quảng bá và xây dựng sản phẩm. Tổng cục Du lịch cùng với Hiệp hội Du lịch, Hiệp hội Lữ hành hợp tác sâu rộng hơn với ASTA, và cần có chiến lược xúc tiến du lịch, định hướng xây dựng sản phẩm cho thị trường này.
 
Đầu tư và quảng bá rộng rãi về các sản phẩm du lịch văn hóa, bảo tàng, du lịch biển, du lịch khám phá (du lịch mạo hiểm), du lịch trải nghiệm cuộc sống cộng đồng, du lịch chăm sóc sức khỏe, thăm chiến trường xưa, ẩm thực, các hoạt động và dịch vụ ban đêm phù hợp hấp dẫn khách,...
 
Khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng sản phẩm và quảng cáo thu hút khách Mỹ, đặc biệt với các doanh nghiệp đã quen với thị trường này như doanh nghiệp lữ hành đã tham gia đón khách Mỹ nhiều nhất những năm qua, các tập đoàn quản lý khách sạn của Mỹ. Các doanh nghiệp lữ hành có định hướng thu hút thị trường khách Mỹ, cần nghiên cứu, thường xuyên tham gia các hội chợ, roadshow du lịch thường niên tại Mỹ như Roadshow Travel Industry Exchange, New York Times Travel Show, Seatrade Cruise Global...
 
Các địa phương cũng phải nhanh chóng tiếp nhận thông tin, chủ động đầu tư nâng cao chất lượng cơ sở dịch vụ, sản phẩm để đáp ứng nhu cầu thị trường khách Mỹ.
 
Ứng dụng công nghệ mạnh hơn nữa, đổi mới, nâng cấp website quảng bá du lịch, truyền thông qua trang mạng xã hội như Facebook, Twitter; các ứng dụng hỗ trợ khách trong việc tiếp cận điểm đến, lập kế hoạch du lịch và thanh toán dịch vụ trực tuyến.
 
Tranh thủ, thu hút dòng khách Mỹ qua thị trường trung gian, khi một số nước trong khu vực đón khách Mỹ khá cao, như Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Phi-lip-pin,...
 
*
 
*      *
 
Vị thế của Việt Nam ngày càng tăng trên bản đồ du lịch quốc tế, năng lực cạnh tranh về du lịch cũng dần được cải thiện. Với nhiều di tích lịch sử, văn hóa, di sản thế giới, danh lam thắng cảnh độc đáo, Việt Nam là một điểm đến an toàn, thân thiện, có khả năng tổ chức các sự kiện quốc tế lớn và quan trọng. Cùng với sự phát triển ngày càng sâu rộng trong lĩnh vực ngoại giao, kinh tế giữa Việt Nam và Mỹ, hợp tác du lịch, trao đổi khách giữa hai nước sẽ có nhiều cơ hội phát triển. 
 
Phan Thị Thái Hà
Đặc điểm của thị trường khách Mỹ đi ra nước ngoài (outbound):
 
Mùa cao điểm khách Mỹ ra nước ngoài thường rơi vào Tháng 6 và Tháng 7 vào kỳ nghỉ hè của học sinh, sinh viên (từ Tháng 6 đến Tháng 8) và Tháng 11 khi sắp đến Lễ Nô-en.
Khách Mỹ đến Ca-na-đa và Mê-hi-cô là chủ yếu, tiếp theo đến châu Âu.
Về nghề nghiệp, 41% khách Mỹ làm việc trong lĩnh vực quản lý hành chính, thương mại, khoa học nghệ thuật.
Khách Mỹ ưa thích đi du lịch theo hình thức tự lập hay tự sắp xếp (self-planned itineraries) (56%), 20% lựa chọn đi theo tour theo đoàn.
Phần lớn người Mỹ đi du lịch không có trẻ em đi cùng. 63% đi một mình, đi cùng gia đình chỉ chiếm 12%.
Chọn cơ sở lưu trú: 63% thích nghỉ tại khách sạn; 41% thích chọn nghỉ tại các nhà riêng và thường có thời gian lưu trú dài.
Nguồn thông tin ảnh hưởng đến quyết định đi du lịch nước ngoài: xu hướng tìm hiểu thông tin qua website tăng nhiều hơn so với ý kiến từ gia đình, bạn bè. TripAdvisor có ảnh hưởng khá lớn. ngoài ra có airbnb.com, expedia.com,…
Về chi tiêu, độ dài chuyến đi và một số thông tin khác liên quan thị trường outbound Mỹ, theo Báo cáo phân tích khách outbound (Tháng 8, 2018) của Cơ quan Quản lý Thương mại quốc tế (ITA) thuộc Cục Thương mại (Department of Commerce) của Mỹ (dựa trên dữ liệu năm 2017)
 
Mục đích chuyến đi: 56% nghỉ dưỡng, 27% thăm bạn bè, người thân; công việc chiếm 8%; học tập 4% và hội họp 3%.
Người Mỹ ưa thích tham quan khám phá, du lịch ngoại ô, nông thôn, mua sắm. Ngoài ra, họ cũng ưa thích thăm di tích lịch sử, trải nghiệm ẩm thực, tour có thuyết minh, thăm bảo tàng, trưng bày nghệ thuật, di sản văn hóa, dân tộc, thăm vườn quốc gia, và giải trí tại câu lạc bộ đêm.
Độ dài thời gian chuyến đi trung bình 16,6 đêm (giảm nhẹ so với năm 2016).
Người Mỹ quyết định chuyến đi trung bình trước 104 ngày và đặt vé máy bay trước 74 ngày.
Hơn 40% khách đặt dịch vụ trực tiếp qua hãng hàng không, dịch vụ qua internet là 33% và qua hãng lữ hành chiếm 16%.
Số người Mỹ ra nước ngoài lần đầu trong năm 2017 chiếm 7%; số lần bình quân ra nước ngoài trong 12 tháng gần nhất là 2,5 lần. Số điểm đến (quốc gia/vùng lãnh thổ) trong một chuyến đi bình quân 1,8 điểm.
Chi tiêu bình quân 1 lượt khách 1 chuyến đi là 1.476 USD, không kể chi bình quân cho vé máy bay quốc tế là 1.085 USD.
Hơn ½ số người Mỹ thanh toán bằng thẻ tín dụng, chiếm 58%; sử dụng tiền mặt hoặc rút tiền qua ATM hoặc mua hàng bằng thẻ ghi nợ chiếm 42%.
Người Mỹ đi nước ngoài, phần lớn sống tại các bang:
 
- Các tiểu bang Nam Đại Tây Dương (South Atlantic States) (gồm Florida, Georgia, Virginia, Washington, D.C., Maryland và North Carolina) chiếm 24%
 
- Các tiểu bang Trung Đại Tây Dương (Middle Atlantic States) (gồm New York, New Jersey và Pennsylvania) chiếm 20%
 
- Các tiểu bang Thái Bình Dương (Pacific States) (Bờ Tây) (California và Washington) chiếm 18% khách ra nước ngoài.
 
(Theo báo cáo nghiên cứu năm 2016 của BeyonSummit và ASTA dựa trên số liệu năm 2015).