Cam Ranh-Đặc sắc văn hóa xứ biển
Cập nhật: 04/12/2019
Cam Ranh nay là thành phố trực thuộc tỉnh Khánh Hoà, cách thành phố Nha Trang 45 km về phía Nam, toạ lạc bên bờ vịnh Cam Ranh - một vịnh biển tự nhiên nổi tiếng, được xem là một trong 3 cảng tốt nhất thế giới có vị trí đặc biệt quan trọng cả về kinh tế và quốc phòng. Với diện tích khoảng 690 km2 nhưng điều kiện tự nhiên lại rất đa dạng bao gồm đồi núi, đồng bằng, biển, vịnh và đảo và bán đảo, trong đó yếu tố biển-vịnh, đảo và bán đảo nổi trội, là cơ sở quan trọng để Cam Ranh trở thành nơi hội tụ những đặc sắc văn hoá biển vào bậc nhất ở nước ta.

Bãi biển trên đảo Ba Bình, Cam Ranh, Khánh Hòa. Ảnh: Thanh Tuyết

Tên gọi Cam Ranh có thể bắt nguồn từ tiếng Chăm, Jarai hoặc Êđê là Kăm M’ran, trong đó Kăm là dồn một chỗ, một đống, tập trung lại, hay gọi là bến; M’ran có nghĩa là tàu, thuyền, đò; nghĩa chung là: nơi tàu thuyền tập trung hay gọi là bến tàu, bến thuyền; sau này phiên âm sang tiếng Việt từ Kăm M’ran đọc thành Cam Ranh. Đây cũng là vùng đất chứa đựng những dấu tích văn hoá lâu đời, di chỉ Xóm Cồn (phường Cam Linh), Hoà Diêm (Cam Thịnh Đông), Văn Tứ Đông (Cam Hoà) là những di chỉ khảo cổ học từ thời đại kim khí và kết quả nghiên cứu cho thấy các di chỉ này đều gắn liền với biển. Người Việt đến nơi này vào khoảng thế kỷ XVII. Từ đây, họ đã dệt nên một văn hoá biển cho riêng mình trong sự giao lưu, tiếp biến văn hoá với các nhóm cư dân Nam Đảo và gần nhất, đậm nét nhất là người Chăm.

Thành phố Cam Ranh là dải đất liền nằm bên quốc lộ 1A trải dài bên bờ vịnh Cam Ranh gồm 9 phường, 5 xã, trong đó hầu hết các xã, phường đều có biển. Cư dân ở đây sinh sống bằng nhiều nghề khác nhau, trong đó nghề biển chiếm số đông, tập trung vào các lĩnh vực: đóng tàu, khai thác hải sản, nuôi trồng hải sản, làm muối, làm mắm, chế biến hải sản, du lịch biển đảo... Cảng Cam Ranh (tiền thân là cảng Ba Ngòi) là một cảng lớn. Đây là cảng thương mại quốc tế nằm trong vịnh Cam Ranh, nơi hội tụ những điều kiện tự nhiên và kinh tế - xã hội hết sức thuận lợi cho phát triển dịch vụ cảng biển. Vì vậy, từ lâu cảng đã là đầu mối giao thông đường biển quan trọng cho khu vực Nam Khánh Hoà và các tỉnh lân cận.

Với một bề dày truyền thống biển dày dặn, con người nơi đây đang lưu giữ những giá trị văn hoá tinh thần riêng biệt. Ngoài những sáng tác văn học - nghệ thuật dân gian, những tín ngưỡng và cơ sở tín ngưỡng mang màu sắc chung của biển Nam Trung Bộ, Cam Ranh còn có một ngôi chùa rất đặc biệt – chùa Từ Vân. Chùa Từ Vân (toạ lạc tại phường Cam Linh) còn được gọi là chùa Ốc. Tên gọi chùa Ốc có từ năm 1995 trong giai đoạn trùng hưng. Chùa bắt đầu được xây dựng từ năm 1969, nhưng khác với tất cả các ngôi chùa khác, đúng như tên gọi của nó (chùa Ốc), ngôi chùa này rất đặc biệt về mặt kiến trúc. Hệ thống tháp, tượng và động được làm bằng san hô, một loại vật liệu quý giá từ biển. Hoà thượng trụ trì Thích Thông Anh cho biết: Từ năm 1985 đến nay, chùa đã xây dựng các công trình bằng 2 vạn tấn san hô, rất nhiều vỏ ốc, sò được dùng trang trí và toàn bộ công trình đều do các nhà sư tự thiết kế, xây dựng, trang trí hoàn toàn bằng phương pháp thủ công trong suốt khoảng 20 năm. Đây được coi là tháp bảo tích duy nhất, độc đáo nhất ở Việt Nam được làm bằng những vật liệu từ biển. Những vòm cửa phủ kín hoa văn vỏ ốc, vỏ sò bất kể mưa hay nắng, buổi sáng sớm hay lúc xế chiều, ánh xà cừ vẫn lấp lánh, tinh khôi như mặt trăng, mặt trời thấm đẫm màu xanh cô ban của biển...

Xã Cam Bình là một vùng đảo gồm 2 đảo: Bình Ba và Bình Hưng, cách nhau khoảng 3 hải lý, cách cầu tàu Ba Ngòi khoảng 70 hải lý. Người ta nhắc nhiều đến Bình Ba bởi đó là một hòn đảo khá hoang sơ, tuyệt đẹp, với vị trí độc đáo, án ngữ ngay cửa biển, vì vậy nó có tên là Bình Ba (bức bình phong che chắn gió). Người Việt đặt chân đến hòn đảo này từ khoảng nửa đầu thế kỷ XIX. Họ chủ yếu sống bằng nghề biển, làm mắm, làm muối, chế biển hải sản, những năm gần đây phát triển mạnh nghề nuôi tôm hùm lồng và dịch vụ du lịch biển đảo. Mặc dù khoảng cách với đất liền không phải là quá xa, nhưng văn hoá nơi này mang tính chất đảo rõ rệt với những biểu hiện cụ thể cả  trong đời sống vật chất và tinh thần. Bình Ba dày đặc những cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng liên quan đến biển: Lăng Ông Nam Hải, tịnh xá Ngọc Tràng, chùa Bình Ba, dinh Cố, miếu Ngũ Hành, điện Quan Âm, khu Địa Tạng, Cóc Ngọc Hương... Tín ngưỡng dân gian và niềm tin mạnh mẽ về những vị thần linh bảo trợ cho ngư dân chính là biểu hiện dễ thấy của cư dân có cuộc sống không phải ở đất liền, gắn liền với biển, môi trường kiếm sống vô cùng giàu có nhưng cũng không ít hiểm nguy. Việc thờ cúng, tiến hành nghi lễ hàng năm tại đây được tổ chức rất trang trọng, tuân thủ nghiêm ngặt các thể thức truyền thống, trong đó, tín ngưỡng thờ Ông Nam Hải và lễ hội Cầu Ngư là tín ngưỡng – lễ hội lớn nhất. Câu chuyện về đầu cá Ông trôi dạt về đây trong tâm thức mỗi người như một món quà thiêng liêng, quý giá mà biển cả và thần linh trao tặng cho những ngư dân bám đảo, bám biển...

Nói đến Cam Ranh không thể không nói đến Vịnh Cam Ranh và bán đảo Cam Ranh. Chính bán đảo Cam Ranh với những dãy núi đã bao lại phần ăn sâu vào đất liền của biển, tạo nên một vùng nước rộng bên trong – vịnh Cam Ranh, vịnh biển tốt nhất, cảng biển tốt nhất, có thể đón tàu biển có trọng tải lớn và là quân cảng cơ động nhất Việt Nam và khu vực.

Bán đảo Cam Ranh và vịnh Cam Ranh có vị thế địa kinh tế và địa chính trị to lớn, ngày nay trở thành một trong những căn cứ hải quân quan trọng, chủ yếu phục vụ quốc phòng và phát triển kinh tế du lịch biển, cảng biển hiện đại. Những con người đã và đang sống, làm việc tại đây, đặc biệt là lực lượng hải quân, lại tiếp tục tiếp nối truyền thống văn hoá biển của dân tộc nói chung, sáng tạo nên mảng văn hoá bảo vệ chủ quyền biển đảo thời kỳ hiện đại. Căn cứ hải quân Cam Ranh là cảng neo đậu, là nơi cho tàu hải quân xuất phát làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo, bảo vệ ngư dân, bảo vệ tài nguyên biển... Biển đảo, con tàu là tình yêu trực tiếp, lớn lao nhất, chi phối mọi hoạt động văn hoá của người chiến sĩ hải quân. Họ sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi nhân dân và Tổ quốc cần, sẵn sàng hy sinh vì bình yên biển, đảo. Các công trình kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng phản ánh rõ nét hoạt động tâm linh của những người lính nói riêng, của nhân dân và bộ đội ở Cam Ranh nói chung. Ngôi chùa yên tĩnh, uy nghiêm hướng mặt về lòng vịnh, Phật Bà Quan Âm giang tay phù hộ sự bình yên cho những người lính ra khơi làm nhiệm vụ. Tượng đài hữu nghị Việt – Nga như một biểu tượng của tình bạn vĩ đại, nơi tri ân những anh hùng liệt sĩ của lực lượng hải quân Liên Xô và Việt Nam tại bán đảo Cam Ranh vì sự hoà bình và ổn định của khu vực. Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma kể về câu chuyện bi tráng của “những người nằm lại phía chân trời”, là “vòng tròn bất tử” trong trái tim chiến sĩ hải quân và nhân dân cả nước...

Đặc sắc văn hoá biển đảo ở Cam Ranh vừa thể hiện ở sự đa dạng, phong phú, vừa thể hiện ở mức độ và sắc thái của nó trong sự so sánh với các địa phương, các vùng có biển, có đảo khác trong phạm vi cả nước. Một vùng tự nhiên núi non, đất liền, vịnh – biển, bán đảo và đảo liên hoàn, đan xen nhau làm nên một tổng thể cảnh quan vô cùng đặc sắc và quyến rũ hiếm có với bức tranh văn hoá biển mà con người nơi đây đã và đang sáng tạo nên là viên ngọc quý cần nâng niu, gìn giữ, phát huy và mài giũa một cách cẩn trọng. Một “bảo tàng” về văn hoá biển Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại đang hiện hữu ở nơi này!

Nguyễn Thị Hải Lê

Báo Hải Quân Việt Nam