Trùng Khánh (Cao Bằng): Nhiều giải pháp đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
Cập nhật: 13/02/2019
Nhằm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, huyện Trùng Khánh (tỉnh Cao Bằng) đã và đang triển khai thực hiện nhiều giải pháp cụ thể.

Huyện Trùng Khánh đã triển khai thực hiện nhiều dự án cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng khu, điểm du lịch, như: Dự án cải tạo nâng cấp tuyến đường từ tỉnh lộ 206 vào động Ngườm Ngao; Dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp thác Bản Giốc, huyện Trùng Khánh do Tổng Công ty du lịch Sài Gòn làm chủ đầu tư đang trong quá trình triển khai giai đoạn 2 và hoàn thiện thiết kế các hạng mục như bể bơi, dịch vụ Spa, điểm ngắm cảnh… 

Dự án công trình nhà sàn đá Khuổi Ky đang đề xuất để huyện tiếp tục đầu tư, xây dựng công trình giai đoạn 2; Dự án cải thiện sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số do Trung tâm Phát triển kinh tế nông thôn (CRED) triển khai; tổ chức trồng cây hoa, cây cảnh tạo cảnh quan môi trường tại Khu du lịch thác Bản Giốc; Công ty cổ phần Milton đã xây dựng Đề án đầu tư xây dựng Khu trung tâm du lịch thác Bản Giốc và đã được phê duyệt, đang thi công các hạng mục giai đoạn 1.

Ngoài ra, huyện còn quan tâm, khuyến khích người dân và doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở lưu trú, đa dạng hóa các loại hình khách sạn, nhà hàng, nhà nghỉ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách. Với chủ trương đa dạng hóa sản phẩm du lịch, nhiều sản phẩm du lịch mới được huyện đưa vào khai thác, như: du lịch cộng đồng tại xóm Lũng Niếc, xã Đàm Thủy, các điểm du lịch sinh thái hồ Bản Viết, thác Thoong Ma, đền Hoàng Lục, du thuyền kayak trên sông Quây Sơn...

Huyện tổ chức các hội thi sáng tạo, tìm kiếm sản phẩm du lịch nhằm tạo ra những sản phẩm mới, lạ, có tính thẩm mỹ cao phục vụ du khách làm quà lưu niệm; chú trọng thực hiện các đề án, đề tài phục dựng các làn điệu dân ca các dân tộc đang có nguy cơ bị mai một; đồng thời góp phần làm tỏa sáng thêm tinh hoa của dân tộc thông qua việc bảo tồn các làn điệu và các lễ hội truyền thống, như: Lễ hội Co Sầu, Lễ hội đền Hoàng Lục, Lễ hội Cầu mùa (Cao Thăng, Trung Phúc), Lễ hội Long Vương...; nhân rộng mô hình, thành lập được một số câu lạc bộ dân ca tại xóm, nhất là các xóm đã có hoạt động văn hóa gắn với loại hình dịch vụ du lịch homestay, góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc…

Đồng chí Nguyễn Thành Hải, Chủ tịch UBND huyện Trùng Khánh cho biết: Với tinh thần đoàn kết, sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và nhân dân các dân tộc huyện Trùng Khánh, cùng mục tiêu lấy du lịch làm đòn bẩy phát triển kinh tế, lấy nhiệm vụ bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống làm then chốt, tin tưởng rằng trong thời gian không xa, du lịch sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện Trùng Khánh.

Đặc biệt, ngày 13/4/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định 485/QĐ-TTg về phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch thác Bản Giốc và quy hoạch chi tiết Khu trung tâm du lịch thác Bản Giốc, đây là cơ sở pháp lý quan trọng để kêu gọi, thu hút đầu tư, xây dựng khu du lịch xứng tầm quốc gia. Trong đó danh thắng thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao, Khu bảo tồn loài sinh cảnh Vượn Cao Vít, Làng đá Khuổi Ky, Chùa Phật tích Trúc lâm Bản Giốc càng tạo điều kiện cho Trùng Khánh thúc đẩy phát triển du lịch bền vững.

Trùng Khánh với vị trí là trung tâm của tuyến du lịch "Trải nghiệm văn hóa bản địa ở xứ sở thần tiên" trong hành trình khám phá Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng, đang có nhiều cơ hội thuận lợi để phát triển du lịch bền vững, gìn giữ cảnh quan thiên nhiên, gắn với bảo tồn các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, giới thiệu đến bạn bè quốc tế về một mảnh đất tươi đẹp, giàu giá trị truyền thống ở miền biên viễn địa đầu Tổ quốc.

Hy vọng với tiềm năng và lợi thế sẵn có này, Trùng Khánh sẽ trở thành một điểm đến đầy hứa hẹn, thu hút đông đảo du khách, ghi tên mình vào bản đồ những điểm du lịch nổi tiếng ở Việt Nam và trên thế giới.

 
Báo Cao Bằng