Festival văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên tại Gia Lai năm 2018: Nơi hội tụ tinh hoa bản sắc.
Cập nhật: 04/12/2018
Festival văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên tại tỉnh Gia Lai năm 2018 với chủ đề “Cồng chiêng và lễ hội dân gian Tây Nguyên” diễn ra từ ngày 30/11/2018 đến ngày 2/12/2018 là lễ hội tôn vinh giá trị của không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên. Là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, quảng bá hình ảnh Gia Lai đến bạn bè trong nước và quốc tế, mở rộng cơ hội đón nhận đầu tư, liên kết các tỉnh Tây Nguyên… Đây thật sự là ngày hội lớn của cả cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên. Nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn diễn ra trong chuỗi sự kiện văn hóa đặc sắc lần này.

Đêm khai mạc với nhiều tiết mục biểu diễn nghệ thuật hoành tráng

Mãn nhãn du khách bốn phương

Hơn 1000 nghệ nhân trong và ngoài tỉnh tham gia trong chương trình khai mạc chính của lễ hội với 15 phút trình diễn của hai dân tộc bản địa Bahnar và Jrai đến từ 6 huyện Chư Pah, Chư Sê, Chư Pưh, Kông Chro, Kbang và Đăk Pơ lồng cùng phần âm nhạc đặc trưng Tây Nguyên trên sân khấu chính của buổi khai mạc đã làm mãn nhãn du khách bốn phương, qua đó tôn vinh giá trị độc đáo và sức sống trường tồn của văn hóa cồng chiêng. 

Có 26 đoàn nghệ thuật quần chúng với khoảng 1000 nghệ nhân và diễn viên quần chúng đến từ 4 tỉnh Tây Nguyên và 17 huyện, thị xã, thành phố tham gia giao lưu, trình diễn nghệ thuật cồng chiêng trong Lễ hội đường phố. Các đoàn theo thứ tự được bố trí biểu diễn cồng chiêng, đi cà kheo tạo không khí sôi động, phấn khởi diễu hành trên các tuyến đường chính, dẫn đầu là đội cồng chiêng nhí huyện Kông Chro. Sau đó các đoàn tập kết về xung quanh quảng trường Đại Đoàn Kết chỉnh chiêng, trình diễn nghệ thuật dân gian và các nghề thủ công truyền thống nhằm giới thiệu đặc trưng văn hóa của cộng đồng, phục vụ nhu cầu giao lưu, tìm hiểu văn hóa truyền thống của khách du lịch.

Văn hóa bản địa khoe sắc

Là một trong những hoạt động nhằm bảo tồn, tôn vinh  những di sản văn hóa truyền thống của dân tộc, động viên khích lệ nhân dân trong việc giữ gìn, phát huy văn hoá truyền thống của đồng bào các dân tộc tỉnh Gia Lai nói riêng, Tây Nguyên nói chung tại Bảo tàng tỉnh Gia Lai và Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Gia Lai-Kon Tum đã diễn ra các hạng mục Triển lãm “Chiêng, trống cổ truyền các dân tộc Jrai, Bahnar ở tỉnh Gia Lai”; Trình diễn “Văn nghệ Dân gian” và Trình diễn tạc tượng gỗ dân gian, đan lát và dệt thổ cẩm. Tham gia trong các hoạt động chính là các nghệ nhân giỏi, người dân địa phương thuộc các lĩnh vực văn hóa dân gian được lựa chọn từ 5 tỉnh Đắk Lak, Đắk Nông, Lâm Đồng, Kon Tum, Gia Lai.

Nghệ nhân dệt thổ cẩm trong khuôn viên lễ hộ

Các tác phẩm trình diễn tạc tượng gỗ dân gian được ghi tên, tuổi, địa chỉ của nghệ nhân và lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Gia Lai phục vụ việc trưng bày, giới thiệu với du khách trong và ngoài tỉnh. Các nghệ nhân chỉ sử dụng dụng cụ tạc tượng truyền thống như rìu, rựa, đục gỗ… không dùng cưa máy. Đối với loại hình đan lát khuyến khích nghệ nhân dùng các loại chiếu nan tự tạo, truyền thống để ngồi đan vừa đúng bản sắc và thể hiện được giá trị văn hóa bản địa. Những sản phẩm dệt thổ cẩm các nghệ nhân tạo ra vừa trưng bày, vừa được bán cho du khách như một hình thức quảng bá sản phẩm đặc trưng của đồng bào dân tộc bản địa. Các tác phẩm lột tả được nét đặc trưng của nghệ thuật tạc tượng, dệt vải… miêu tả sinh động đời sống sinh hoạt của người dân Tây Nguyên trong lao động sản xuất, trong các dịp lễ hội; góp phần tôn vinh bản sắc văn hóa độc đáo của các dân tộc Tây Nguyên, tạo cơ hội để du khách trong và ngoài nước tiếp cận, tìm hiểu văn hóa dân gian độc đáo của đồng bào bản địa. 

Triển lãm ảnh tư liệu, nghệ thuật về Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên và Triển lãm tranh, ảnh, tư liệu về cuộc đời, sự nghiệp của họa sĩ Xu Man trên tuyến đường Anh hùng Núp giúp nhân dân hiểu thêm giá trị to lớn về cuộc sống, tâm hồn, tâm linh của người Tây Nguyên với những góc nhìn chân thật nhất.

Phục dựng nghi lễ, lễ hội truyền thống của các tỉnh Tây Nguyên gồm Lễ ăn cơm mới của người Ê Đê; Lễ Sạ lúa của người Chu Ru; Lễ cầu an của dân tộc Bahnar; Lễ cúng sức khỏe của người M’nông; Lễ mừng nhà rông mới của dân tộc Bahnar huyện Kbang là một trong những hoạt động hấp dẫn, nhằm khôi phục và truyền tải những giá trị văn hóa truyền thống từ ngàn đời lưu truyền, phát huy đến thế hệ mai sau.

Nghệ nhân đan lát phục vụ du khách

Tham gia trưng bày và biểu diễn nhạc cụ dân tộc của các tỉnh bạn trong khuôn khổ lễ hội là Triễn lãm nhạc cụ truyền thống các dân tộc Việt Nam đã mang đến cho du khách phần biểu diễn đặc sắc, được giao lưu cùng với nghệ nhân các tỉnh, thành qua các tiết mục dân ca, dân vũ, trình diễn nhạc cụ truyền thống, tuồng, chèo, cải lương, các trích đoạn hoặc tiểu phẩm sân khấu truyền thống nhằm giới thiệu với nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế về sự phong phú, đa dạng và độc đáo của nhạc cụ truyền thống các dân tộc Việt Nam. Qua đó bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa từ ngàn đời của đồng bào các dân tộc trên khắp mọi miền đất nước. 

Du lịch Gia Lai “Hòa nhịp cùng âm vang cồng chiêng Tây Nguyên”

Một số chương trình tour đặc biệt được các công ty kinh doanh lữ hành trên địa bàn tỉnh chào bán, giới thiệu trong Festival hoá cồng chiêng Tây Nguyên như tour “Hòa nhịp cùng âm vang cồng chiêng Tây Nguyên”; tour “Festival văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”; Chương trình Ấn tượng bản sắc Tây Nguyên 3 ngày 2 đêm; Tour Buôn Ma Thuột - Gia Lai - Kon Tum; Tour Gia Lai - Kon Tum - Măng Đen; City tour; Tour Gia Lai-Kon Tum 1 ngày… là cơ hội lớn để quảng bá hình ảnh du lịch tỉnh nhà đến với du khách, đặc biệt là những giá trị văn hóa bản địa có cơ hội phát huy thế mạnh, kích cầu du lịch Gia Lai trên trường quốc tế và khu vực.

Công bố, giới thiệu tour du lịch cộng đồng và tổ chức khảo sát du lịch (famtrip) trong sự kiện lần này là dịp ghi nhận ý kiến đóng góp của các đơn vị nhằm định hướng phát triển du lịch Gia Lai. Chương trình khảo sát các tuyến điểm du lịch là thế mạnh của du lịch tỉnh nhà với sự tham dự của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để đưa ra những tour, tuyến đặc trưng của du lịch Gia Lai. Những ý kiến đóng góp của các đơn vị quản lý, nghiên cứu về du lịch, các đơn vị kinh doanh du lịch, lữ hành đã được trao đổi, chắt lọc trong buổi Tọa đàm về “Liên kết phát triển tour du lịch giữa Gia Lai với các địa phương”.

Cơ hội quảng bá ẩm thực và giới thiệu sản phẩm đặc trưng địa phương

Khu Ẩm thực Tây Nguyên và ẩm thực 3 miền với 20 gian hàng được bố trí tại khu vực quảng trường Đại Đoàn Kết là dịp để quảng bá ẩm thực đặc trưng Tây Nguyên nói riêng và các món ăn cả 3 miền Bắc - Trung - Nam trên cả nước đến du khách. Các nhà hàng, quán ăn với nhiều món ăn đặc trưng, thể hiện được tinh túy ẩm thực Tây Nguyên với những món ăn chủ đạo là phở khô, gà nướng, cơm lam, thịt nướng, măng rừng, lá mì cà đắng, bò một nắng, cá sông Sê San, gỏi lá, giảo cổ lam, các loại thức uống đặc trưng cà phê, rượu cần… hội tụ đầy đủ ẩm thực Tây Nguyên, đậm đà, mới lạ nhưng không kém phần tinh tế.

Về phần ẩm thực ba miền do làng du lịch Bình Quới đảm nhận đã thể hiện được sự tinh tế của ẩm thực miền Bắc, đậm đà của món ăn miền Trung, nét ẩm thực đa dạng của miền Nam là nét chấm phá được hội tụ, góp phần làm nên sự thành công của ngày hội Festival văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên 2018 tại Gia Lai. Có 6 xe lưu động phục vụ dòng cà phê organic tại các tuyến đường trung tâm của thành phố là một trong những điểm nhấn của lễ hội, phục vụ nhu cầu thưởng thức thức uống đậm đà vùng cao nguyên, góp phần tạo nên khu vườn ẩm thực đa dạng trên mọi miền đất nước.

Các sản vật của địa phương được dịp tiếp cận với đông đảo du khách trong nước và quốc tế trong sự kiện này, nhờ đó nâng tầm giá trị, được nhiều người biết đến và sử dụng nhiều hơn. Các mặt hàng chủ yếu là nông, thổ sản địa phương, đồ mĩ nghệ, sinh vật cảnh như đặc sản gạo Phú Thiện, chè Bàu Cạn, mật ong rừng, rượu đinh lăng, rượu cần, gạo lức, điều, tiêu, rau sạch... đặc biệt những sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo như: Đàn t’rưng, chuông gió, đồ thổ cẩm và nhiều sản phẩm mây tre đan tạo sức hút lớn với du khách.

Đây không những là dịp để quảng bá điểm đến mà còn là cơ hội được trải nghiệm văn hóa ẩm thực khắp các vùng miền và đưa sản vật địa phương vươn tầm khu vực, từ đó tạo sự ấn tượng và lưu giữ ký ức cho du khách về một vùng đất với con người thân thiện, những sản phẩm đặc trưng do chính bàn tay khéo léo của người dân nơi đây tạo ra.

Võ Thanh Thảo

Phòng Đầu tư & Xúc tiến Du lịch tỉnh Gia Lai