Tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch đến thăm khu di sản Huế
Cập nhật: 05/09/2018
Đến đầu tháng 9/2018, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đón 2,7 triệu lượt khách đến thăm khu di sản Huế; trong đó có 1,5 triệu lượt khách quốc tế; doanh thu từ bán vé tham quan đạt hơn 275 tỷ đồng.

Thừa Thiên-Huế sẽ tập trung nguồn lực đầu tư khai thác các dịch vụ về đêm tại khu vực Đại nội để thu hút du khách đến tham quan. Ảnh: Quốc Việt

Ba ngày nghỉ lễ Quốc khánh đã có hơn 71.000 lượt khách thăm khu di sản (trong đó có hơn 30.000 du khách được miễn vé tham quan ngày 2/9). Dịp này cũng có gần 10.000 lượt khách quốc tế đến tham quan khu di sản Huế.

Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế Phan Thanh Hải cho biết thế mạnh du lịch ở đây được phát huy qua tour du lịch "Huế - một điểm đến năm di sản." Đó là quần thể di tích Cố đô Huế, Nhã nhạc cung đình Huế, Mộc bản triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn và Thơ văn chữ Hán trên kiến trúc cung đình Huế, được UNESCO công nhận là di sản thế giới luôn hấp dẫn, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Khách du lịch đến với di sản Huế ngày càng tăng cao, cho thấy khu di sản Huế ngày càng có sức hấp dẫn và tour du lịch "Huế - một điểm đến năm di sản" trở thành thương hiệu, điểm đến lý tưởng đối với du khách.

Gần đây, việc thắp sáng Kỳ Đài Huế bằng 1.000 đèn led bố trí bao bọc xung quanh và xuyên suốt di tích Kỳ Đài, kết nối với hệ thống di tích của Kinh thành Huế như Nghinh Lương Đình, Phu Vân Lâu, Ngọ Môn... tạo thành điểm nhấn cho Huế về đêm.

Bên cạnh đó, việc thực hiện bắn súng thần công thực hiện song song với sự kiện "Thắp sáng Kỳ Đài" tạo điểm nhấn và thu hút khách du lịch cũng như phục vụ cộng đồng cư dân địa phương. Kỳ Đài Huế vì thế đã trở thành biểu tượng tiêu biểu của di sản Huế thu hút đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế đến tham quan.

Trong thời gian tới, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế tiếp tục khai thác sản phẩm Đại Nội Đêm kết nối từ không gian Kỳ Đài vào Hoàng cung mở rộng các hoạt động dịch vụ để phục vụ du khách nhằm tạo ra sản phẩm du lịch đặc trưng và độc đáo của Huế để thu hút du khách và kéo dài thời gian lưu trú của du khách.

Theo Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế Phan Thanh Hải, trong thời gian qua, lượng du khách đến Cố đô Huế không ngừng tăng nhanh, tốc độ trung bình luôn đạt từ 15-18%/năm. Dự kiến trong năm 2018, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế sẽ đón khoảng 3,3 triệu lượt khách đến thăm khu di sản.

Đáng chú ý, khoảng 170 công trình di tích lớn nhỏ đã được đầu tư trùng tu, bảo tồn, trong đó tiêu biểu là: Ngọ Môn, Điện Thái Hòa, Hiển Lâm Các, cụm di tích Thế Miếu, cung Diên Thọ, Duyệt Thị Đường...

Hiện nay, lăng Gia Long, lăng Đồng Khánh, lăng Thiệu Trị và lăng Tự Đức cũng đang được triển khai trùng tu nhiều hạng mục.

Cơ sở hạ tầng các khu di tích như hệ thống đường, điện chiếu sáng khu vực Đại Nội, Quảng trường Ngọ Môn-Kỳ Đài, điện đường đến các lăng Gia Long, Minh Mạng, Tự Đức, Khải Định, Đồng Khánh... đã được đầu tư, nâng cấp. Hệ thống sân vườn các di tích Hưng Miếu, Thế Miếu, cung Diên Thọ, Cung Trường Sanh, vườn Cơ Hạ, vườn Thiệu Phương, cung An Định, hệ thống phòng chống hỏa, chống sét trong di tích đã cơ bản được tu bổ hoàn nguyên hoặc xây dựng hoàn thiện.

Việc trùng tu bảo tồn di sản Huế không chỉ làm hồi sinh các giá trị di sản văn hóa mà còn góp phần quan trọng vào chỉnh trang đô thị, phục hưng sức sống mãnh liệt của các giá trị truyền thống, khiến cố đô Huế thực sự trở thành một điểm đến không thể bỏ qua trên "Con đường Di sản miền Trung"./.

TTXVN/VIETNAM+