Du lịch cộng đồng tại Quan Lạn khiến nhiều du khách “phải lòng”
Cập nhật: 13/08/2018
Những năm gần đây, mô hình du lịch cộng đồng đang phát triển mạnh mẽ trên đảo Cô Tô, Quan Lạn đem lại thu nhập đáng kể cho người dân địa phương.

Quan Lạn (huyện Vân Đồn, Quảng Ninh) hoang sơ, bình yên, khác hẳn với Hạ Long ồn ã.

Phương tiện chủ yếu được người dân sử dụng là những chiếc xe túc túc. Thường thì du khách có thể thuê phòng homestay trong làng để trải nghiệm cuộc sống hòa mình với con người trên đảo.

Buổi sáng ra cồn bãi cùng ngư dân.

Tham gia Tour du lịch “Một ngày làm ngư dân”, du khách không chỉ được khám phá vẻ đẹp thiên nhiên của Quan Lạn mà còn được tham gia các hoạt động thường nhật của ngư dân như ra khơi câu mực, thả lưới đánh cá, đào xiếp... để hiểu thêm về những giá trị văn hóa, lịch sử, nguồn cội của vùng đất nơi đây.

Bạn Vũ Thùy Linh, một du khách đến từ Hà Nội lần đầu đến với Quan Lạn không khỏi bất ngờ với những trải nghiệm thực tế: "Lần đầu tiên mình được đi Quan Lạn và thấy nơi đây rất đẹp. Được trải nghiệm mô hình một ngày làm ngư dân ở đây rất thú vị, mình có thể tự bắt cá, cào xiếp. Mình mong muốn là cái mô hình này được phát triển và nhân rộng nhiều hơn nữa".

Những du khách nhí thích thú trải nghiệm cào xiếp tại Quan Lạn.

Những hoạt động như này chính lý do níu chân du khách lưu trú vài ngày trên đảo.

Anh Nguyễn Văn Hà, hướng dẫn viên chương trình "Một ngày làm ngư dân" tại đảo Quan Lạn cho biết, trong tất cả những lần dẫn khách tới đây, du khách đều rất hài lòng.

"Tham gia hình thức du lịch này, họ không chỉ được trải nghiệm sự vất vả của người nông dân và thông qua đó còn giáo dục cho con em họ những giá trị của lao động, để từ đó có sự cố gắng hơn trong học tập và cuộc sống", anh Hà chia sẻ. 

Sự kết hợp hài hòa giữa những giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa của địa phương với mong muốn trải nghiệm những điều mới lạ của du khách đã tạo nên một sản phẩm du lịch độc đáo và mới lạ.

Loại hình du lịch này còn giúp mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của nhiều người dân địa phương.

Anh Phạm Đình Huy, người dân thôn Sơn Hào, xã đảo Quan Lan cảm nhận: "Du khách tới đây sẽ được hòa nhập với người dân và có thể cảm nhận được nét văn hóa riêng ở đây. Ví dụ tới một hộ gia đình đang phát triển con sá sùng, du khách sẽ đi đào sá sùng theo người dân, người dân vừa có thu nhập từ công việc hàng ngày, vừa được du khách trả tiền hướng dẫn".

Để có thể mang đến những trải nghiệm thật thú vị cho du khách, người dân xã đảo Quan Lạn đã phải tham gia rất nhiều các lớp tập huấn, bồi dưỡng do chính những chuyên gia về du lịch giảng dạy từ cung cách ứng xử cho đến giao tiếp với du khách. Tất cả đều được giảng giải một cách bài bản để phù hợp với nguyên tắc làm du lịch mà vẫn giữ nguyên bản sắc văn hóa của cư dân bản địa, những chủ thể của du lịch cộng đồng.

Anh Phạm Hải Quỳnh, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Vân Hải Xanh, Chủ tịch CLB Du lịch cộng đồng thuộc Hiệp hội du lịch Việt Nam, một trong những “chuyên gia” tham gia xây dựng mô hình du lịch cộng đồng tại đảo Quan Lạn cho biết, thực tế, Quan Lạn là nơi có giá trị du lịch rất lớn.

Ngoài cảnh quan được thiên nhiên ban tặng, Quan Lạn còn có những giá trị tiềm ẩn về văn hóa. Toàn tuyến du lịch Quan Lạn cũng đã từng bước hoàn thiện về dịch vụ cho đến cách đầu tư quy củ, mang tính chất bền lâu. 

Bước đầu người dân xã đảo Quan Lạn đã được hưởng lợi khi tham gia làm du lịch.

Tuy nhiên, mỗi vùng miền có một nét văn hóa riêng, đó là giá trị cốt lõi của du lịch cộng đồng.

Chính vì vậy, việc đầu tư khôi phục, gìn giữ những lễ hội và nét sinh hoạt văn hóa của cư dân vùng biển đang là điều đặt ra để Quan Lạn có thể thu hút nhiều hơn du khách đến với xã đảo còn nhiều khó khăn này./.

CTV Duy Thái-Tuấn Trọng

VOV.VN