Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Vịnh Xuân Đài, Phú Yên
Cập nhật: 09/01/2018
(TITC) – Ngày 29/12/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2127/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia (DLQG) Vịnh Xuân Đài, Phú Yên đến năm 2030.

Vịnh Xuân Đài tuyệt đẹp khi nhìn từ trên cao (Ảnh: Internet)

Theo Quy hoạch, Khu DLQG Vịnh Xuân Đài thuộc địa bàn thị xã Sông Cầu và huyện Tuy An; có ranh giới được xác định: Phía Bắc bao gồm toàn bộ bán đảo Xuân Thịnh, thị xã Sông Cầu; phía Đông giáp biển; phía Tây lấy quốc lộ 1A làm ranh giới, từ khu vực Gành Đỏ (phường Xuân Đài) đến hết phường Xuân Yên của thị xã Sông Cầu; phía Nam lấy tuyến đường bộ ven biển làm ranh giới, bao gồm các xã: An Ninh Đông và An Ninh Tây (huyện Tuy An) giáp với thị xã Sông Cầu. Diện tích vùng lõi tập trung phát triển Khu DLQG là 1.200 ha (chưa bao gồm diện tích mặt nước).

Quan điểm phát triển của Quy hoạch là phát triển Khu DLQG Vịnh Xuân Đài dựa vào lợi thế cơ bản là mặt nước vịnh, giá trị cảnh quan Gành Đá Đĩa để hình thành các sản phẩm du lịch đặc thù, tạo thương hiệu riêng cho Vịnh Xuân Đài. Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm để Khu DLQG Vịnh Xuân Đài trở thành mũi nhọn của du lịch Phú Yên và trở thành khu du lịch có giá trị trong hệ thống du lịch của vùng Duyên hải Nam Trung Bộ. Đồng thời, phát triển Khu DLQG Vịnh Xuân Đài trong không gian kết nối với TP. Tuy Hòa và các điểm du lịch khác của tỉnh Phú Yên, liên kết chặt chẽ với các khu, điểm du lịch trong vùng Duyên hải Nam Trung Bộ. Bên cạnh đó, phát triển đồng thời đảm bảo hài hòa và bảo vệ di tích danh lam thắng cảnh quốc gia Vịnh Xuân Đài, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh quốc phòng và lợi ích cho cộng đồng địa phương.

Mục tiêu chung đến năm 2025, Vịnh Xuân Đài trở thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng biển, vui chơi giải trí của tỉnh và vùng Duyên hải Nam Trung Bộ. Đến năm 2030, Khu du lịch Vịnh Xuân Đài cơ bản đáp ứng các tiêu chí và trở thành Khu DLQG.

Về mục tiêu đón khách, năm 2025, Vịnh Xuân Đài đón khoảng 850 nghìn lượt khách, trong đó khoảng 25 nghìn lượt khách quốc tế, tổng thu từ khách du lịch  đạt trên 400 tỷ đồng. Phấn đấu đến năm 2030 đón khoảng 1,2 triệu lượt khách, trong đó khoảng 35 nghìn lượt khách quốc tế, tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 900 tỷ đồng.

Trong đó, thị trường khách du lịch nội địa tập trung khai thác thị trường khách du lịch đến từ Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, các đô thị phía Bắc, các tỉnh trong vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và khách nội tỉnh; từng bước mở rộng ra các tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long.

Thị trường khách quốc tế chú trọng thu hút thị trường khách Tây Âu, Bắc Mỹ và Đông Âu; tập trung khai thác, thu hút thị trường gần như Đông Bắc Á (Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản); tiếp cận và khai thác thị trường Đông Nam Á (Thái Lan, Lào, Campuchia) qua các tỉnh Tây Nguyên.

Đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng; du lịch tham quan nghỉ dưỡng trên vịnh; du lịch thể thao, vui chơi giải trí; du lịch sinh thái; du lịch văn hóa – lịch sử; du lịch gắn với văn hóa ẩm thực…

Về tổ chức không gian phát triển du lịch, tập trung phát triển không gian du lịch trên mặt vịnh và 9 phân khu du lịch, bao gồm: Phân khu du lịch Bắc Từ Nham; Phân khu du lịch Nam Từ Nham; Khu rừng sinh thái; Phân khu nghỉ dưỡng Bãi Ôm; Phân khu du lịch Bắc Sông Cầu; Phân khu du lịch Nam Sông Cầu; Phân khu núi Dòng Bồ; Phân khu du lịch tổ hợp Gành Đỏ - Bình Sa; Phân khu du lịch Gành Đá Đĩa.

Về định hướng đầu tư, Quy hoạch chỉ rõ huy động hiệu quả nguồn lực để đầu tư phát triển Khu DLQG Vịnh Xuân Đài, gồm: vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch, vốn của các tổ chức, doanh nghiệp, các thành phần kinh tế trong nước và các nguồn huy động hợp pháp khác. Trong đó ưu tiên thu hút đầu tư vào các khu chức năng theo quy hoạch để phát triển sản phẩm du lịch đặc thù và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch chất lượng cao.

Căn cứ vào khả năng cân đối vốn hàng năm, ngân sách nhà nước ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật khung; hỗ trợ xúc tiến, quảng bá, xây dựng thương hiệu Khu DLQG; phát triển nguồn nhân lực; bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa; bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Cơ chế, chính sách về thuế sẽ cho phép các tổ chức, cá nhân được đóng góp quỹ đất vào dự án đầu tư theo hình thức góp vốn cùng kinh doanh; xem xét tiền miễn tiền thuê đất đối với các dự án đầu tư xây dựng trong Khu DLQG; có chính sách miễn giảm thuế nhập khẩu, thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư vào Khu DLQG.

Về cơ chế, chính sách đầu tư, huy động vốn đầu tư, tỉnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi và đơn giản hóa các thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng, kịp thời giải quyết các vướng mắc cho nhà đầu tư và doanh nghiệp du lịch để thu hút các nhà đầu tư. Đối với các dự án đầu tư xây dựng công trình mới trên nền quỹ đất không có tài sản trên đất, tỉnh sẽ hỗ trợ giải phóng mặt bằng, bàn giao mặt bằng sạch theo quy định. Đối với các dự án thuê mặt bằng, quỹ đất hiện có tài sản trên đất tỉnh sẽ hỗ trợ một phần kinh phí hóa giá tài sản trên đất hiện có. Hỗ trợ đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật về giao thông, cấp điện, cấp nước, thông tin liên lạc đến chân hàng rào dự án theo quy định. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ thiết lập đường dây nóng về đầu tư giữa chính quyền các cấp với các nhà đầu tư để kịp th  ời nắm bắt, giải quyết các bức xúc, khó khăn của các nhà đầu tư.

Ngoài ra, quy hoạch cũng đề ra các giải pháp về phát triển hệ thống hạ tầng du lịch; phát triển nguồn nhân lực; giải pháp đảm bảo an ninh, quốc phòng; phát triển sản phẩm du lịch; phát triển thị trường khách du lịch; ứng dụng khoa học công nghệ; xúc tiến, quảng bá xây dựng thương hiệu khu du lịch; bảo vệ tài nguyên, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai…

Thu Thủy