Homestay Trải nghiệm mới của du khách
Cập nhật: 02/01/2018
Du lịch cộng đồng (homestay) - loại hình du lịch dành cho du khách thích khám phá, trải nghiệm và tìm hiểu về phong tục tập quán của dân địa phương. Du khách sẽ cùng ăn, ngủ, sinh hoạt và lao động với người dân để khám phá những nét văn hóa bản địa độc đáo.

Khám phá đời sống dân bản địa

Hiện mô hình du lịch này ngày càng thịnh hành, nhất là tại các điểm du lịch vùng núi phía Bắc như: Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên…., hoặc một số điểm du lịch nổi tiếng miền Trung như: Huế, Hội An hay một số địa phương thuộc đồng bằng sông Cửu Long. Với những người yêu thích du lịch, khám phá những vùng đất mới, những nét văn hóa độc đáo tại những điểm đến, thì mô hình du lịch homestay sẽ thỏa mãn hầu hết nhu cầu. Thay vì ở khách sạn hoặc các nhà nghỉ, du khách sẽ ở tại nhà của dân địa phương để có thể có một góc nhìn gần gũi và thực tế hơn với cách sống và nền văn hóa của dân bản địa. Khách được xem như một thành viên của gia đình và tham gia sinh hoạt đời thường như cùng ăn cơm và trò chuyện, trao đổi với các thành viên. Khách cũng được yêu cầu phải “nhập gia tùy tục” và biết cách tôn trọng các quy tắc và sự riêng tư nhất định của gia chủ.

Cao nguyên đá Đồng Văn, (Hà Giang) là Công viên Địa chất toàn cầu duy nhất tại Việt Nam và thứ hai của Đông Nam Á được Hội đồng tư vấn Mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu (UNESCO) chính thức công nhận là công viên Địa chất toàn cầu từ năm 2010. Đến với Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, du khách không chỉ choáng ngợp trước sự hùng vĩ của không gian, cảnh sắc mà còn có dịp hòa mình với cuộc sống của đồng bào để hiểu thêm phong tục tập quán, giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào các dân tộc thiểu số thông qua dịch vụ nhà nghỉ cộng đồng homestay.

Homestay tại Mộc Châu, Sơn La.

Nguyễn Tuấn Anh, sinh viên trường Đại học Xây dựng cho biết, lần đầu tiên em đến với Hà Giang đến với Cao nguyên đá Đồng Văn. “Em  rất thích thú khi được ngắm phong cảnh hùng vĩ của Cao nguyên đá và được trải nghiệm dịch vụ Homestay tại ngôi nhà cổ hàng trăm năm tuổi của dân tộc Mông. Tại đây em được tham gia vào các hoạt động cộng đồng, vui chơi, giải trí, thể thao, thư giãn... được hòa mình cùng làn điệu dân ca, điệu múa độc đáo và thưởng thức những món ăn truyền thống của đồng bào Mông. Em rất hài lòng với phong cách phục vụ, tình cảm chân thành, hiếu khách của người dân địa phương”, Tuấn Anh chia sẻ.

Là một trong những địa phương sớm phát triển mô hình du lịch cộng đồng, nhiều mô hình  homestay tại Hòa Bình đã để lại dấu ấn trong lòng du khách. Năm 2016, tỉnh Hòa Bình đón hơn 2,2 triệu lượt khách, vượt 13,7% kế hoạch, trong đó khách quốc tế đạt 22,7 vạn lượt, khách trong nước hơn 2 triệu lượt, đạt doanh thu 576 tỷ đồng, trong đó thu nhập từ hoạt động du lịch cộng đồng hơn 1.000 tỷ đồng.

Là người đi du lịch đến nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, trải nghiệm loại hình du lịch homestay ở các vùng, miền, với homestay ở Hòa Bình, anh Vũ Hồng Quân (TP. Hồ Chí Minh) có nhiều cảm nhận. Anh Quân cho biết: Tôi được nghe giới thiệu về du lịch cộng đồng ở Hòa Bình từ lâu với điểm du lịch bản Lác (Mai Châu) khá nổi tiếng. Ở bản Lác có thể do đã làm du lịch lâu năm nên cách thức khá chuyên nghiệp, bài bản, đây cũng là bản có nhiều homestay tập trung nhất. Các nhà sàn giữ được kiến trúc cổ, rộng rãi, cao ráo, sạch sẽ. Bản có thể đón cùng một lúc nhiều đoàn khách đông người tạo nên khung cảnh sôi động, nhộn nhịp, nhất là vào dịp cuối tuần. Đối với một số điểm du lịch cộng đồng khác như ở Đà Bắc, Kỳ Sơn, các homestay không tập trung và cũng chưa nhiều nhưng lại có điểm riêng biệt. Cùng với việc được trải nghiệm cuộc sống, sinh hoạt thường ngày của người dân bản địa, du khách có thể tham gia nhiều hoạt động hấp dẫn như đạp xe, bơi lội, chèo bè, bắt cá…

Cần tạo bản sắc riêng

Kết quả khảo sát của tổ chức AC Nielson về xu hướng đi du lịch của du khách cho thấy, 65% du khách muốn trải nghiệm văn hóa và di sản địa phương; 54% du khách muốn trải nghiệm thiên nhiên, nghỉ ngơi và phục hồi sức khỏe; 84% du khách muốn tham quan danh lam thắng cảnh địa phương; 97% du khách sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho kỳ nghỉ thân thiện với môi trường và mang lại nhiều lợi ích thực sự cho người nghèo; 70% du khách sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho việc bảo vệ môi trường địa phương; 48% du khách sẵn sàng chi trả nhiều hơn để trải nghiệm văn hóa và di sản địa phương; 45% du khách sẵn sàng chi trả nhiều hơn để hỗ trợ hội từ thiện địa phương.

Những phòng nghỉ độc đáo được thiết kế từ container tại Mộc Châu Arena Village.

Qua đó có thể thấy mô hình du lịch homestay là một xu hướng của nền “công nghiệp” không khói. Loại hình này không chỉ có tác động tích cực đến sự phát triển chung của du lịch mà còn đang có tác động sâu sắc đến xã hội như: Tăng cường giáo dục ý thức bảo vệ môi trường, bảo tồn các di tích văn hóa, lịch sử của dân bản địa và du khách; tạo sự giao lưu văn hóa, phong tục tập quán giữa các dân tộc và các quốc gia khác nhau; tăng cường các mối quan hệ trong cộng đồng người dân; sự gắn bó của chính quyền địa phương và người dân bản xứ; giáo dục ý thức về phong cách ứng xử trong cộng đồng người dân. Đồng thời loại hình du lịch này cũng có tác động đến kinh tế như: Thu hút các nhà đầu tư vào du lịch, hệ thống giao thông, trường học, mở rộng và nâng cấp các làng nghề truyền thống, trùng tu các di tích lịch sử… tạo cơ hội việc làm, nguồn thu nhập cho người dân, góp phần vào chương trình xóa đói giảm nghèo tại địa phương.  

Tuy nhiên, để loại hình du lịch này phát triển tương xứng với tiềm năng và bền vững, ông Trần Hữu Sơn, nguyên Giám đốc Sở VH- TT&DL Lào Cai cho rằng, điểm hấp dẫn nhất của loại hình này chính là nét văn hóa độc đáo của dân tộc bản địa, nên không thể xây dựng đại trà. Nhiều tỉnh cứ tưởng xây dựng nhiều là tốt, nhưng thực chất nhiều điểm du lịch cộng đồng nhưng lại na ná nhau thì sẽ không thu hút được khách. “Mô hình homestay phải có nét văn hóa độc đáo, mang đặc trưng riêng của từng vùng mới hấp dẫn được du khách” - ông Sơn khẳng định.

Dưới góc độ doanh nghiệp, bà Thùy Dương, Phó giám đốc Evivatour cũng đưa ra 3 yếu tố để phát triển homestay bền vững. Đó là, có nhà tư vấn giàu kinh nghiệm trong nước và quốc tế để có chiến lược phát triển bền vững; lựa chọn công ty lữ hành uy tín để bán sản phẩm tour cho người dân; và quan trọng nhất là dịch vụ phải thực sự chất lượng, ấn tượng để níu chân du khách và kích thích họ quay trở lại. "Nếu chất lượng phục vụ tốt thì du khách sẽ hiểu được là gia đình này, địa phương này giữ được bản sắc văn hóa. Đừng cố gắng tạo ra những mô hình homestay theo kiểu hộ nào cũng giống viện bảo tàng, gây nhàm chán. Chất lượng mà tôi muốn nói đến là thái độ thân thiện, sự chân thành, nhiệt tình hỗ trợ khách và hướng dẫn khách tìm hiểu văn hóa bản địa".

 PHƯƠNG ANH

baodansinh.vn