Cung đường như dải lụa ven biển kết nối hai địa danh nức tiếng với những sản phẩm du lịch đặc sản sẽ khiến du khách bị mê hoặc bởi những cảnh đẹp đến nao lòng.
Biểu tượng kết nối
Trong các địa phương duyên hải miền Trung, tuyến Quy Nhơn - Sông Cầu có lẽ là biểu tượng kết nối liên kết duy nhất không bị ngắt quãng. Một phần, do hai bên đều giáp biển, phần nữa, do các địa phương này ngay từ ban đầu đã nhận ra hiệu quả từ tính kết nối của tuyến này trong khai thác du lịch.
Cách đây 16 năm, sự kiện trọng đại cho cả 2 tỉnh Bình Ðịnh và Phú Yên khi công trình đường Quy Nhơn - Sông Cầu được khánh thành nối cửa ngõ vào trung tâm TP. Quy Nhơn đến xã Xuân Hải, huyện Sông Cầu (Phú Yên) có tổng chiều dài 33,15 km, trong đó, 19 km nằm ở đất Bình Ðịnh.
Nếu Quy Nhơn có Ghềnh Ráng với bãi tắm Hoàng Hậu trữ tình, thì Sông Cầu (Phú Yên) có Vịnh Xuân Đài nên thơ.
Tuy nhiên, từ khi tuyến ven biển này được khai thông, cư dân sống dọc theo tuyến đường, từng được gọi là vùng sâu vùng xa dù cách Quy Nhơn chưa đầy 5 km đã bắt đầu đổi đời. Nhiều người trước đây sống bằng nghề đi biển, nghề đốt than hái củi, nay nhảy ra kinh doanh du lịch. Hàng loạt khu du lịch đã mọc lên, mở màn là dự áncủa Công ty Du lịch Bãi Dài - Quy Nhơn, với khu du lịch tiêu chuẩn quốc tế gồm các loại hình kinh doanh lưu trú và các dịch vụ du lịch trên khu vực Bãi Dài thuộc phường Ghềnh Ráng, TP. Quy Nhơn.
Từ thành công của dự án này, trong kế hoạch phát triển du lịch các giai đoạn, tuyến du lịch ven biển Quy Nhơn - Sông Cầu là ưu tiên hàng đầu của tỉnh Bình Ðịnh. Gần đây nhất, khu vực Ghềnh Ráng, Bình Định đã xây dựng thành công Trung tâm Giáo dục khoa học quốc tế liên ngành và Tổ hợp Không gian vũ trụ thúc đẩy du lịch khoa học bên cạnh du lịch nghỉ dưỡng như lâu nay.
Cú hích cho vịnh Xuân Đài
Nhìn trên bình diện tổng thể, tuyến Quy Nhơn - Sông Cầu là kết nối giữa hai tỉnh Bình Định và Phú Yên. Nếu trên diện hẹp hơn, thì đó là kết nối huyện Sông Cầu với TP. Quy Nhơn, nhưng với những doanh nghiệp du lịch, đó là sự kết nối giữa hai danh thắng tự nhiên có sức hút bậc nhất Việt Nam: Ghềnh Ráng và vịnh Xuân Đài.
Trong quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia đến năm 2030, vịnh Xuân Đài là khu du lịch quốc gia, trung tâm du lịch nghỉ dưỡng biển, vui chơi giải trí của tỉnh Phú Yên và vùng duyên hải Nam Trung bộ và là một điểm đến quan trọng trên tuyến du lịch quốc gia, có mối liên kết bổ trợ với các điểm đến khác như Quy Nhơn, Đà Nẵng, Phan Thiết, Nha Trang, Tây Nguyên.
Ý tưởng quy hoạch trên dựa vào tiềm năng gần 80 km với phong cảnh hữu tình của vịnh Xuân Đài, đèo Cù Mông và lợi thế nằm giữa quốc lộ 1A và 1D đi qua, có tuyến đường 644 nối Sông Cầu - Đồng Xuân.
Phía biển, Sông Cầu còn có những bán đảo lớn: Xuân Thịnh (xã Xuân Thịnh và xã Xuân Phương), Xuân Hải (xã Xuân Hải, xã Xuân Hồ và mảng phía Đông của xã Xuân Cảnh). Nơi đây còn nổi tiếng với nhiều bãi biển đẹp.
Nổi bật ở Sông Cầu là vịnh Xuân Đài, trong vịnh có nhiều vũng biển và bãi tắm đẹp như Vũng La, Vũng Sứ, Vũng Cho... và nhiều đảo, bán đảo như cù lao Ông Xá, mũi Đá Mài, mũi Tai Mã, nhất là hòn Nhất Tự Sơn.
Ông Phạm Xuân Nam, Chủ tịch Hội đồng thành viên, kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH liên doanh Hoya Đại Thuận cho biết: “Sông Cầu có đầy đủ yếu tố trở thành điểm đến du lịch: lịch sử lâu đời, thiên nhiên trù phú; hải sản, nông sản dồi dào; con người hiền hòa, hiếu khách. Việc kết nối với Quy Nhơn (Bình Định) để tạo ra các tour, tuyến và cùng bắt tay khai thác sẽ rất hiệu quả”.
Điểm nhấn cho du lịch vịnh Xuân Đài chính là Khu du lịch Long Hải. Đây là một trong những dấu mốc đánh dấu cho bước phát triển ngành du lịch Phú Yên. Khu du lịch Long Hải là dự án liên doanh giữa Công ty cổ phần Đại Thuận (TP.HCM) và Tập đoàn Hoya (Hàn Quốc). Dự án là một quần thể khu du lịch gồm nhà nghỉ, khách sạn, khu nghỉ mát, khu vui chơi giải trí, biệt thự và bungalow, cung cấp dịch vụ tiêu chuẩn quốc tế cho du khách; kinh doanh siêu thị, các dịch vụ bất động sản…
Ông Phạm Xuân Nam chia sẻ: “Chúng tôi xác định vị trí triển khai Dự án Khu du lịch Long Hải là cửa ngõ của vịnh Xuân Đài. Khi đầu tư hoàn chỉnh sẽ tạo điểm nhấn cho khu vực trung tâm thị xã Sông Cầu, góp phần thu hút khách du lịch đến với vùng đất thơ mộng này. Du khách đến đây có thể thoải mái nghỉ ngơi, tắm biển, câu cá…”
Minh Khuê