Quảng Nam: Xây dựng sản phẩm mới thúc đẩy du lịch
Cập nhật: 27/07/2017
Ông Đinh Hài, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tỉnh Quảng Nam cho biết, bên cạnh hai DSVHTG Đô thị Hội An, khu đền tháp Mỹ Sơn và Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm, tỉnh Quảng Nam còn có cả không gian rộng lớn phía Tây để phát triển du lịch.

Khu đền tháp Mỹ Sơn

Đây là những khu vực đầy tiềm năng, được đánh giá hội tụ đầy đủ yếu tố cần thiết để phát triển du lịch với các sản phẩm du lịch trải nghiệm, các không gian rừng núi, biển cả, có thể xây dựng các loại hình du lịch văn hóa, sinh thái, mạo hiểm, du lịch tham quan các di tích lịch sử, cách mạng, làng nghề…

Ngành du lịch tỉnh Quảng Nam cũng đã tổ chức nhiều chuyến khảo sát, xây dựng các sản phẩm du lịch mới ở khu vực phía nam và phía tây của tỉnh Quảng Nam như Tam Kỳ, Phú Ninh, Núi Thành… Các huyện miền núi Quảng Nam như Tiên Phước, Bắc Trà My…

Các chuyên gia du lịch, các hãng lữ hành, nhà đầu tư,… cũng đồng tình với nhận định rằng khu vực phía nam và tây tỉnh Quảng Nam còn rất nhiều vùng giàu tiềm năng để phát triển sản phẩm du lịch mới. Chẳng hạn như đã khảo sát, thử nghiệm xây dựng các điểm đến du lịch tham quan các di tích, danh thắng, du lịch cộng đồng như: làng bích họa-thuyền thúng tại vùng biển Tam Thanh, địa đạo Kỳ Anh, công trình Tượng đài Mẹ Việt Nam tại TP. Tam Kỳ; hồ Phú Ninh tại huyện Phú Ninh, đảo Tam Hải, sông nước Trường Giang; vùng hạ lưu sông Thu Bồn,… Các điểm du lịch miền núi phía tây Quảng Nam như làng Bhờ Hôồng, Dhờ Rôồng, làng dệt Zara, đường Hồ Chí Minh lịch sử...

Tuy nhiên, vấn đề thực tế mà nhiều ý kiến cũng đề cập đến chính là làm thế nào để những tiềm năng này phát triển đa dạng và thực sự hiệu quả.

Ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch, tỉnh Quảng Nam tiếp tục đa dạng các loại hình du lịch, sản phẩm du lịch bằng những việc cụ thể: đầu tư, nâng cấp hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển du lịch. Đôn đốc các chủ đầu tư triển khai nhanh nhiều dự án lớn như Khu nghỉ dưỡng nam Hội An, các dự án ven biển, nâng cấp sân bay Chu Lai, đầu tư phát triển cảng cá An Hòa thành cảng khai thác phục vụ khách du lịch... Xúc tiến, thu hút đầu tư vào những điểm có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, tạo sự liên kết vùng và phát triển cân bằng giữa vùng đông và vùng tây, tăng cường lồng ghép trong phát triển du lịch, tạo ra mối liên kết giữa du lịch sinh thái và du lịch văn hóa...

Các đơn vị lữ hành thường xuyên đưa khách đến Quảng Nam nhìn nhận rằng thực tế hiện nay điểm đến Hội An (Quảng Nam) đang thường xuyên bị quá tải khách du lịch. Vì thế, việc phát triển các điểm đến mới tại vùng phía nam và tây Quảng Nam là rất phù hợp. Tuy nhiên, dù tài nguyên du lịch nhiều, nhưng những điểm đến này đang thiếu các sản phẩm du lịch thực sự mới lạ, hấp dẫn, cùng với đó là chất lượng dịch vụ, cơ sở hạ tầng du lịch, nguồn nhân lực du lịch,…

Được biết, hiện Sở VHTTDL tỉnh Quảng Nam đang xây dựng lại quy hoạch phát triển du lịch tại các vùng phía nam và phía tây Quảng Nam dựa trên các tour, tuyến cụ thể. Trước mắt, dự kiến Quảng Nam sẽ hỗ trợ cơ chế cho các công ty du lịch, các đơn vị lữ hành đưa khách đến các điểm du lịch tại khu vực này, qua đó sẽ rút kinh nghiệm để điều chỉnh, hình thành sản phẩm, thị trường du lịch cụ thể./.

Báo Văn hóa