Khai mạc phiên họp Cơ quan Du lịch quốc gia ASEAN lần thứ 46
Cập nhật: 24/07/2017
(TITC) - Sáng ngày 24/7/2017, Phiên họp Cơ quan Du lịch quốc gia ASEAN lần thứ 46 và các sự kiện liên quan đã long trọng khai mạc tại khu du lịch Flamingo Đại Lải, tỉnh Vĩnh Phúc. Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Nguyễn Văn Tuấn đã đến dự và phát biểu khai mạc.

Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn (giữa) chụp ảnh lưu niệm cùng Lãnh đạo cơ quan du lịch quốc gia ASEAN 

Phiên họp có sự tham dự của hơn 100 đại biểu là lãnh đạo và cán bộ cơ quan du lịch quốc gia ASEAN, Ban thư ký ASEAN, Hiệp hội Du lịch ASEAN, cùng các cơ quan thông tấn báo chí…

Các phiên họp diễn ra trong bối cảnh ASEAN kỷ niệm 50 năm thành lập (8/8/1967-8/8/2017), du lịch ASEAN triển khai Chiến dịch kỷ niệm vàng 50 năm thành lập ASEAN với tiêu đề “Visit ASEAN@50” và triển khai Chiến lược Phát triển du lịch ASEAN giai đoạn 2016-2025.

Đoàn Việt Nam

Chào mừng các đại biểu tới tham dự phiên họp Cơ quan du lịch quốc gia ASEAN lần thứ 46 và các sự kiện liên quan, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn khẳng định ASEAN là khu vực có nhiều tiềm năng phát triển du lịch. Những năm gần đây, du lịch ASEAN đạt được kết quả đáng khích lệ. Năm 2016, khu vực đã đạt mức kỷ lục đón trên 113 triệu lượt khách du lịch, tăng 7% so với năm 2015. Tổng cục trưởng cho biết Việt Nam năm 2016 đón 10 triệu khách quốc tế, tăng 26%; trong 6 tháng đầu năm 2017 đã đón 6,2 triệu lượt, tăng 30% - mức tăng trưởng khách quốc tế chưa từng có đối với Việt Nam.

Tổng cục trưởng cũng nhận định trong bối cảnh hiện nay, du lịch khu vực cũng đang đứng trước không ít khó khăn, thách thức liên quan đến thay đổi khí hậu toàn cầu, những rào cản liên quan tới cơ chế chính sách gây cản trở cho du lịch phát triển. Vì vậy, để tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cũng như tăng cường thu hút hơn nữa khách du lịch tới và đi lại trong khu vực, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn đề nghị các cơ quan du lịch quốc gia ASEAN cần tăng cường phối hợp chặt chẽ hơn nữa trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt tập trung vào xúc tiến quảng bá, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, đầu tư cở sở hạ tầng du lịch, đa dạng hóa sản phẩm, trong đó có những sản phẩm mới với những trải nghiệm độc đáo ASEAN-Feel the warmth như du lịch mạo hiểm, du lịch tàu biển...

Lãnh đạo cơ quan du lịch quốc gia ASEAN chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu

Đồng thời hợp tác chặt chẽ với các cơ quan liên quan tháo gỡ những trở ngại, vướng mắc nhằm tạo điều kiện đi lại hơn nữa cho du khách. Quan tâm phát triển nguồn nhân lực, tiêu chuẩn hóa nghề du lịch, chương trình đào tạo, thúc đẩy chuyển dịch lao động du lịch giữa các nước thành viên. Bên cạnh đó, ASEAN cần thắt chặt hợp tác hơn nữa với các bên đối thoại Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nga... cũng như mở rộng quan hệ với các nước, các tổ chức quốc tế khác nhằm tranh thủ khai thác hỗ trợ kỹ thuật, thu hút đầu tư, tạo thêm động lực cho sự phát triển nhanh, bền vững của du lịch ASEAN.

Phiên họp Cơ quan Du lịch quốc gia ASEAN lần thứ 46 sẽ diễn ra trong hai ngày 24-25/7 và trong ngày tiếp theo 26/7 sẽ diễn ra các phiên họp ASEAN+3 (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản), ASEAN - Trung Quốc, họp nhóm công tác du lịch ASEAN - Ấn Độ.

Các phiên họp lần này sẽ tập trung thúc đẩy các nội dung cơ bản theo các định hướng đề ra tại Chiến lược phát triển du lịch ASEAN 2016 - 2025, trong đó có xây dựng Chiến lược marketing du lịch ASEAN giai đoạn 2017-2020, thực hiện Hiệp định về việc thành lập Ban Thư ký khu vực triển khai Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về nghề du lịch (MRA-TP), xây dựng sản phẩm du lịch mới của các nước ASEAN, đề xuất Tuyên bố chung về du lịch tàu biển, xây dựng và triển khai chiến lược khuyến khích sự tham gia của cộng đồng địa phương và khu vực tư nhân vào phát triển du lịch…

Toàn cảnh phiên họp

Du lịch là một trong những lĩnh vực hợp tác quan trọng trong ASEAN. Chiến lược phát triển du lịch ASEAN 2016-2025 xác định tầm nhìn “đến năm 2025, ASEAN sẽ trở thành điểm đến du lịch chất lượng cao, đem lại cho du khách những trải nghiệm đa dạng và độc đáo; phát triển theo hướng bền vững, có trách nhiệm, toàn diện, cân bằng; đóng góp đáng kể đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của người dân trong toàn khu vực”. Để hiện thực hóa tầm nhìn, Chiến lược đã đề ra 2 định hướng lớn, bao gồm: (1) Nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch ASEAN với tư cách là điểm đến chung và (2) Đảm bảo phát triển bền vững và toàn diện, cùng định hướng thúc đẩy phát triển lao động nghề du lịch.

Hợp tác ASEAN có vai trò đặc biệt quan trọng đối với Du lịch Việt Nam. Trong những năm qua, các thị trường nguồn du lịch trong ASEAN đóng góp khoảng 15% tổng số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Một số nước ASEAN như Malaysia, Thái Lan và Singapore vừa là một trong 10 thị trường nguồn hàng đầu, vừa là cửa ngõ quan trọng để khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.

Việt Nam bắt đầu tham gia các cơ chế hợp tác du lịch ASEAN từ cuối thập niên 1990 sau khi chính thức gia nhập ASEAN. Việt Nam từng bước tham gia đầy đủ và chủ động hội nhập toàn diện du lịch ASEAN từ những năm 2000. Đến nay, Việt Nam đã thực hiện đầy đủ các cam kết đối với các lĩnh vực khách sạn, dịch vụ đặt giữ chỗ khách sạn, dịch vụ phục vụ ăn uống và kinh doanh lữ hành quốc tế.

Năm 2009, Việt Nam đã đăng cai và tổ chức thành công Diễn đàn Du lịch ASEAN (ATF 2009) và Hội nghị Bộ trưởng Du lịch – sự kiện lớn nhất trong năm của du lịch ASEAN.

Năm 2019, Việt Nam sẽ đăng cai tổ chức Diễn đàn Du lịch ASEAN (ATF 2019) tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

Tin, ảnh: Truyền Phương