Điện Biên: Dịch vụ du lịch, hướng đi mới của nhiều hộ dân
Cập nhật: 31/03/2017
Bản văn hóa Noong Chứn, phường Nam Thanh, TP. Điện Biên Phủ gần trung tâm thành phố, là cộng đồng dân cư bản địa còn giữ được bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc Thái nên có điều kiện thuận lợi thu hút du khách đến tìm hiểu.

Nhân viên nhà hàng Văn Phong giới thiệu đặc sản địa phương với du khách

Nắm bắt lợi thế ấy, từ năm 2010, gia đình ông Lò Văn Phong, hộ dân trong bản, mở nhà hàng ẩm thực dân tộc và giao lưu văn nghệ ngay tại bản. Sau nhiều năm tạo dựng thương hiệu, uy tín, nhà hàng Văn Phong bản Noong Chứn đã trở thành địa chỉ quen thuộc của khách phương xa cũng như người dân địa phương khi tiếp bạn bè ngoại tỉnh lên thăm. Tính cả nhân lực phục vụ ăn uống và đội văn nghệ, cả bản có 26 người được tạo việc làm thường xuyên từ dịch vụ trên.

Ông Lò Văn Phong cho biết: Trung bình, mỗi ngày chúng tôi phục vụ 5 - 6 mâm thực khách. Vào những dịp đặc biệt của tỉnh hay mùa lễ hội, nhà hàng “quá tải”, tối nào cũng chật kín khách với 25 - 30 mâm, tạo thu nhập ổn định khoảng 4 triệu đồng/người/tháng cho các thành viên tham gia.

Có điều kiện thuận lợi tương tự, người dân bản Him Lam 2 cũng học cách làm du lịch, chuyển đồi cơ cấu ngành nghề. Năm 2014, được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn, bản đã lựa chọn, xây dựng được 10 gia đình cơ bản đáp ứng đủ điều kiện phục vụ lưu trú cho khách du lịch. Cũng trong năm ấy, với sự kiện lớn kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, cả bản đón trên 3.000 lượt khách đến trải nghiệm homestay (ở tại nhà dân) với mức giá 90.000 đồng/người/đêm, nhờ vậy mỗi gia đình có thêm thu nhập vài chục triệu đồng chỉ trong 1 mùa du lịch. Những năm sau đó, do khách đến rải rác nên nhiều người bỏ dần, chỉ còn 2 hộ duy trì dịch vụ lưu trú, trong đó có gia đình ông Lò Văn Ín. Vừa cùng vợ gấp, cất chăn, gối sau khi đón đoàn khách ngoại tỉnh đến thăm mùa ban nở, ông Ín cho biết: Diện tích sàn nhà tôi có thể phục vụ nghỉ ngơi cho 20 - 25 người. Từ đầu năm đến nay, gia đình tôi đón khoảng 150 khách đến lưu trú, thu nhập hơn 10 triệu đồng. Từ khi mở dịch vụ này, gia đình có đồng ra đồng vào, cuộc sống khá giả hơn. Ngoài dịch vụ lưu trú, bản Him Lam 2 cũng phục vụ ẩm thực dân tộc và văn nghệ với 14 hộ tham gia chính. Dịp Lễ hội Hoa ban 2017, bản đã đón khoảng 1.000 lượt khách đến giao lưu, sử dụng các dịch vụ, tổng thu nhập sau khi trừ chi phí là trên 60 triệu đồng. Các thành viên tham gia đội văn nghệ còn có thu nhập cao hơn, 7 - 8 triệu đồng/mùa, bởi được một số khách sạn trên địa bàn mời đến biểu diễn.

Nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh đã “ăn nên làm ra” từ việc cung cấp dịch vụ du lịch nhưng nhìn lại thì Điện Biên mới phát triển 2 hướng dịch vụ chính là ăn uống và lưu trú. Dịch vụ, du lịch Điện Biên vẫn còn nhiều hạn chế và bất cập, chưa có bước đột phá tương xứng với tiềm năng, lợi thế.

Trên các diễn đàn du lịch, đối tượng khách vãng lai không ít lần phản hồi về việc Điện Biên chưa phát triển dịch vụ vận chuyển hành khách. Lên Điện Biên, để đi lại giữa các điểm du lịch cách xa nhau chỉ có cách đi xe ôm hoặc taxi, tốn rất nhiều chi phí. Thực tế, khách du lịch không chỉ cần chỗ ăn, nơi nghỉ, các điểm tham quan mà còn rất nhiều nhu cầu dịch vụ khách. Ông Nguyễn Văn Năm, Trưởng phòng  Nghiệp vụ du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cũng thẳng thắn nhận xét: “Các dịch vụ du lịch của Điện Biên còn hạn chế, các công ty lữ hành cũng chưa phát triển. Cả tỉnh hiện chỉ có 3 doanh nghiệp lữ hành nhưng còn thiếu phương tiện di chuyển, nhân lực và hướng dẫn viên nên hoạt động chưa tốt, vì vậy thu hẹp dòng khách. Các doanh nghiệp, cơ sở, hộ dân mới chỉ tập trung vào 2 dịch vụ chính là ẩm thực và lưu trú kết hợp giao lưu văn nghệ chứ chưa có sự đột phá, tạo sự khác biệt”.

Để đẩy mạnh phát triển du lịch, dịch vụ, ông Nguyễn Văn Năm cho biết: Trong tương lai, ngành du lịch hướng đến phát triển các doanh nghiệp lữ hành cùng các hoạt động, dịch vụ, tour du lịch đa dạng ngay trên địa bàn để đón trước những dòng khách trong nước và quốc tế thay vì các doanh nghiệp dưới xuôi tổ chức dẫn tour lên Điện Biên như hiện tại và tạo liên kết tour du lịch Tây Bắc để tăng lượng khách. Bên cạnh đó phát triển vận tải vận chuyển khách, tạo sự tiện lợi, thoải mái lựa chọn cho du khách. Đồng thời, tổ chức tập huấn nghiệp vụ du lịch, đón khách thập phương cho người dân một số bản văn hóa để phát triển dịch vụ giao lưu văn hóa, lưu trú tại nhà dân, góp phần làm hài lòng du khách, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.


Nguyễn Hiền

 

baodienbienphu.com.vn