Nghị quyết 08 - dấu ấn đặc biệt trong lịch sử ngành Du lịch
Cập nhật: 02/03/2017
“Nghị quyết 08- NQ/TW là văn kiện có ý nghĩa cực kì quan trọng đối với sự phát triển của ngành du lịch. Đây là một dấu ấn rất đặc biệt trong lịch sử phát triển của Du lịch” – Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn nhấn mạnh.

Thời gian qua, ngành Du lịch đã có bước phát triển rõ rệt và đạt được những kết quả quan trọng, rất đáng khích lệ. Giai đoạn 2001-2016, tốc độ tăng trưởng khách du lịch quốc tế đạt 10,2%/năm, khách du lịch nội địa đạt 11,8%/năm. Năm 2016, số lượng khách du lịch quốc tế đạt 10 triệu lượt người, tăng hơn 4,3 lần so với năm 2001; khách du lịch nội địa đạt 62 triệu lượt người, tăng 5,3 lần so với năm 2001; đóng góp trực tiếp ước đạt 6,8% GDP, cả gián tiếp và lan toả đạt 14% GDP. Sự phát triển của ngành Du lịch đã và đang góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng cường xuất khẩu tại chỗ; bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá, tài nguyên thiên nhiên; tạo nhiều việc làm, nâng cao đời sống nhân dân; đẩy mạnh quá trình hội nhập quốc tế, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn

Tuy nhiên, ngành Du lịch còn một số hạn chế, yếu kém khiến sự phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và kỳ vọng của xã hội. Nguyên nhân chủ yếu là do các cấp, các ngành chưa thực sự coi du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, xã hội hoá và hội nhập quốc tế cao, mang nội dung văn hoá sâu sắc; thiếu chính sách quốc gia phù hợp để du lịch phát triển theo đúng tính chất của một ngành kinh tế vận hành theo quy luật thị trường.

Chính vì vậy, Nghị quyết số 08-NQ/TW do Bộ Chính trị ban hành ngày 16/01/2017 về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn được kỳ vọng sẽ khắc phục những tồn tại, yếu kém và đưa Du lịch phát triển xứng đáng với tiềm năng, thế mạnh và kỳ  vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với ngành Du lịch.

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn đã có cuộc trao đổi với Báo điện tử Tổ Quốc về ý nghĩa, vai trò của Nghị quyết 08-NQ/TW đối với ngành Du lịch cũng như kế hoạch hành động để đưa Nghị quyết vào cuộc sống.

-Là nhà quản lý gắn bó nhiều năm với ngành du lịch, ông đánh giá như thế nào về ý nghĩa, vai trò của Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đối với sự phát triển của ngành Du lịch trong thời gian tới?

Trước hết, Nghị quyết 08-NQ/TW xác định rõ mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đưa phát triển du lịch đã trở thành định hướng chiến lược quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, cùng với các ngành có tiềm năng, thế mạnh khác như nông nghiệp và công nghệ cao.

Đồng thời, Nghị quyết 08-NQ/TW yêu cầu cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và toàn xã hội tham gia, tạo điều kiện cho phát triển du lịch. Đây là điều chúng ta không có được trước đây, khiến cho có người ví ngành du lịch như “ngôi sao cô đơn” vì thiếu sự tham gia, phối hợp của các cấp, các ngành.

Hơn nữa, đặc điểm nổi bật của Nghị quyết là vừa khái quát được những chủ trương lớn, vừa tập trung giải quyết những vấn đề cụ thể. Đây là cơ sở để ngành du lịch hoạt động được thuận lợi, thông suốt, hướng tới những mục tiêu cụ thể đặt ra.

Có thể nói, Nghị quyết 08-NQ/TW là bước chuyển hóa Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12 với yêu cầu “có chính sách phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn”. Đây là cơ sở cho ngành du lịch phát triển đột phá trong thời gian tới.

- Theo ông, những điểm đột phá nhất của Nghị quyết 08 là gì?

Trước hết, quan điểm đầu tiên của Nghị quyết nêu rõ “phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là định hướng chiến lược quan trọng để phát triển đất nước, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác”.

Với quan điểm này, du lịch đã được đặt vào vị trí trung tâm, đòi hỏi phải có chính sách đặc thù; sự phát triển của ngành du lịch góp phần hỗ trợ các ngành, lĩnh vực khác. Đây là sự chuyển biến quan trọng về nhận thức khi đóng góp quan trọng của ngành du lịch, bao gồm cả đóng góp trưc tiếp, gián tiếp và lan tỏa (ước tính khoảng 14% GDP năm 2016) đã được ghi nhận; du lịch đã được nhận thức với tư cách là động lực cho sự phát triển kinh tế.

 Hai là, bản chất của ngành du lịch được khẳng định là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, xã hội hóa cao và có nội dung văn hóa sâu sắc. Đây là quan điểm có tính định hướng quan trọng trong phương thức triển khai thực hiện các kế hoạch. Du lịch phải được phát triển theo đúng tính chất của một ngành kinh tế vận hành theo quy luật thị trường.

Ba là, bên cạnh các quan điểm định hướng, Nghị quyết sẽ góp phần giải quyết các “điểm nghẽn” về chính sách cụ thể đối với thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch, đầu tư vào các địa bàn trọng điểm, vùng sâu vùng xa, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, quy hoạch, quảng bá xúc tiến; chuyển đổi cơ chế phí tham quan sang cơ chế giá dịch vụ; các chính sách về giá điện, thuế sử dụng đất, tiền thuê đất, thủ tục nhập cảnh.

Đặc biệt, Nghị quyết ghi rõ: “đối với những vấn đề cấp bách cần triển khai ngay để tạo đột phá cho du lịch phát triển, nếu chưa có văn bản pháp luật quy định hoặc có quy định khác thì cho thực hiện thí điểm”. Trong bối cảnh hệ thống luật pháp nước ta chưa đồng bộ, còn chồng chéo như hiện nay, chủ trương này là cơ sở để tháo gỡ các khó khăn, xây dựng các chính sách đột phá của ngành.

Ngoài ra, Nghị quyết xác định rõ 8 nhóm nhiệm vụ và giải pháp đồng bộ và toàn diện phải thực hiện trong thời gian tới, bao gồm: (1) đổi mới nhận thức, tư duy về phát triển du lịch; (2) cơ cấu lại ngành du lịch; (3) hoàn thiện thể chế, chính sách; (4) phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch; (5) tăng cường xúc tiến quảng bá du lịch; (7) phát triển nguồn nhân lực du lịch; và (8) tăng cường năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch.

- Vậy ngành Du lịch sẽ triển khai những hoạt động như thế nào để đưa Nghị quyết vào cuộc sống, thưa ông?

Ngay sau khi Nghị quyết được ban hành, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức quán triệt Nghị quyết. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ đã dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết, đang phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương để hoàn chỉnh dự thảo trình Chính phủ.

Đồng thời, thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng, Tổng cục Du lịch cũng đã chủ động đề xuất Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Bộ, trên cơ sở Dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ.

Trước mắt, các hoạt động quán triệt Nghị quyết sẽ diễn ra tại các Bộ, ngành, địa phương. Để tạo nguồn lực cho phát triển du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tiếp tục đề xuất với Chính phủ thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch; hoàn thiện Luật Du lịch (sửa đổi) để trình Quốc hội xem xét ban hành tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội thứ XIV và xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành; đề xuất tháo gỡ các điểm nghẽn về chính sách đối với sự phát triển du lịch.

Về lâu dài, Chương trình hành động thực hiện nghị quyết của Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các Bộ, Ban, ngành, địa phương sẽ giải quyết toàn diện tất cả 8 nhóm nhiệm vụ đề ra tại Nghị quyết.

- Ông có kỳ vọng Nghị quyết này sẽ giúp giải quyết được những khó khăn và vấn đề còn tồn tại của ngành Du lịch hay không, thưa ông?

Nghị quyết là cơ sở quan trọng để xây dựng các khuôn khổ pháp lý, đề ra các chính sách, giải quyết các khó khăn và vấn đề tồn tại của ngành du lịch. Tuy nhiên, cần đưa tinh thần Nghị quyết vào cuộc sống, thể hiện bằng những hành động cụ thể, quyết liệt với sự tham gia của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và toàn xã hội.

Ngành Du lịch rất kỳ vọng vào Nghị quyết này và Tổng cục Du lịch với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ VHTTDL chỉ đạo và quản lý lĩnh vực du lịch sẽ chủ động, đề cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực hết mình để đưa Nghị quyết vào cuộc sống, thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Nghị quyết./.

- Xin cảm ơn ông!

Hoàng Hà

Toquoc.vn