Khu du lịch Mẫu Sơn phấn đấu đến năm 2025 đón khoảng 800 nghìn lượt khách
Cập nhật: 24/02/2017
(TITC) – Đây là mục tiêu phấn đấu được đặt ra trong Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Mẫu Sơn, tỉnh Lạng Sơn đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Quyết định số 240/QĐ-TTg ngày 20/2/2017.

Trên đỉnh Mẫu Sơn

Khu du lịch Mẫu Sơn nằm gần trục quốc lộ 4B (Lạng Sơn-Quảng Ninh), cách trung tâm thành phố Lạng Sơn khoảng 30km. Ở độ cao trung bình trên 1.000m so với mực nước biển, Mẫu Sơn có khí hậu ôn đới, nhiệt độ trung bình khoảng 15ºC; mùa hè mát mẻ, mùa đông sương mù, băng giá. Nơi đây có thảm thực vật đa dạng, phong phú, rừng nguyên sinh còn bảo tồn được nhiều loại thực vật quý hiếm. Nhiều dòng suối chảy uốn lượn từ đỉnh các ngọn núi xuống chân núi. Cùng với cảnh vật hữu tình, Mẫu Sơn còn là nơi lưu giữ giá trị văn hóa tâm linh của “Linh địa - Đền cổ Mẫu Sơn” vị trí được coi là nơi hội tụ khí thiêng trời đất, nằm giữa Núi Cha và Núi Mẹ trên địa bàn thôn Lặp Pịa, xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình. Mẫu Sơn là địa bàn sinh sống lâu đời của đồng bào dân tộc Dao, Tày, Nùng... có truyền thống văn hóa, phong tục tập quán đặc sắc.

Theo quy hoạch, Khu du lịch Mẫu Sơn thuộc địa bàn các xã: Mẫu Sơn (huyện Lộc Bình), Mẫu Sơn và Công Sơn (huyện Cao Lộc). Diện tích vùng lõi tập trung phát triển khu du lịch quốc gia là 1.500 ha (không bao gồm 4 điểm du lịch ở khu vực có đường tuần tra biên giới thuộc địa bàn xã Xuất Lễ và xã Mẫu Sơn, huyện Cao Lộc).

Với lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, giá trị văn hóa tâm linh, bản sắc văn hóa các dân tộc, Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Mẫu Sơn đến năm 2030 xác định phát triển trên cơ sở phát huy tối đa các lợi thế và theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa, tăng cường huy động các nguồn lực đầu tư và chú trọng kết nối với các khu, điểm có tiềm năng phát triển du lịch trong tỉnh và các vùng lân cận…

Phấn đấu đến năm 2030, Khu du lịch Mẫu Sơn đáp ứng được các tiêu chí và trở thành khu du lịch quốc gia với sản phẩm du lịch đặc trưng là du lịch nghỉ dưỡng núi, du lịch văn hóa tâm linh và du lịch sinh thái của vùng Trung du miền núi Bắc Bộ và cả nước.

Cụ thể, đến năm 2025, Khu du lịch Mẫu Sơn đón khoảng 800 nghìn lượt khách, trong đó có trên 35 nghìn lượt khách quốc tế; đến năm 2030 đón trên 1,0 triệu lượt khách du lịch, trong đó trên 50 nghìn lượt khách quốc tế. Tổng thu từ khách du lịch đến năm 2030 đạt trên 3.400 tỉ đồng; Tạo việc làm cho trên 4.000 lao động trực tiếp.

Về sản phẩm du lịch đặc thù, Khu du lịch Mẫu Sơn sẽ tập trung phát triển du lịch nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe và du lịch tâm linh. Bên cạnh đó, sẽ phát triển sản phẩm du lịch bổ trợ gồm: du lịch tham quan, khám phá, sinh thái; du lịch vui chơi giải trí và thể thao mạo hiểm; du lịch cộng đồng; du lịch gắn với các sự kiện, lễ hội truyền thống. Tập trung khai thác thị trường khách nội địa gồm khách nội tỉnh và khách đến từ Hà Nội, các tỉnh thuộc khu vực Đông Bắc, vùng Trung du miền núi phía Bắc; đồng thời ưu tiên khai thác thị trường khách du lịch quốc tế đến từ các cửa khẩu quốc tế Đồng Đăng, Hữu Nghị và cửa khẩu quốc gia Chi Ma (huyện Lộc Bình), Bình Nghi (huyện Tràng Định).

Trong quy hoạch cũng đưa ra nhiều giải pháp thực hiện hiệu quả các mục tiêu trên như: Giải pháp về quy hoạch và quản lý quy hoạch, ngoài việc công bố, triển khai các quy hoạch và dự án đầu tư trong khu du lịch, rà soát, lập quy hoạch chi tiết, quản lý đầu tư xây dựng, cần thực hiện kiểm tra, giám sát định kỳ 2 năm/lần để kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả quy hoạch; Giải pháp về cơ chế chính sách, thu hút và khuyến khích đầu tư bao gồm nghiên cứu đề xuất các cơ chế đặc thù áp dụng vào khu du lịch quốc gia Mẫu Sơn, huy động mọi nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng, nâng cấp hệ thống giao thông, hệ thống điện, nước sinh hoạt và xử lý chất thải, đồng thời tạo môi trường thuận lợi, tập trung xúc tiến, thu hút các nguồn vốn đầu tư; Có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực, đa dạng hóa các hình thức đào tạo, tổ chức các chương trình đào tạo nghiệp vụ và giáo dục tại các điểm du lịch cộng đồng…

Hương Lê