Hội thảo xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù vùng Bắc Trung Bộ
Cập nhật: 18/11/2016
(TITC) – Ngày 17/11/2016, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (Tổng cục Du lịch) tổ chức Hội thảo xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù vùng Bắc Trung Bộ.

Phát biểu tại hội thảo, Viện trưởng Viện NCPTDL Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh sự cần thiết của việc xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù vùng Bắc Trung Bộ trên cơ sở khai thác, phát huy tiềm năng thế mạnh, giá trị riêng có để tạo thành những sản phẩm có lợi thế cạnh tranh thúc đẩy phát triển du lịch Vùng, đưa Bắc Trung Bộ trở thành một vùng du lịch thống nhất, điểm đến hấp dẫn và ngày càng thu hút được nhiều khách du lịch.

Vùng Bắc Trung Bộ với các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên -  Huế hội tụ nhiều tiềm năng phát triển du lịch với tài nguyên du lịch biển và kho tàng các di sản thiên nhiên, văn hóa vật thể, phi vật thể rất đặc sắc. Đây là một trong những trung tâm văn hóa quan trọng của Việt Nam, điểm dừng quan trọng trong tuyến du lịch xuyên Việt và là điểm đầu của tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây trên lãnh thổ Việt Nam. Lợi thế nổi bật của Vùng Bắc Trung Bộ là hệ thống 9 di sản thiên nhiên, văn hóa vật thể và phi vật thể được UNESCO công nhận; đã tạo dựng được một số thương hiệu du lịch như Huế nổi tiếng với sản phẩm di sản và du lịch lễ hội, hang Sơn Đoòng có giá trị nổi bật toàn cầu, Con đường di sản miền Trung, con đường Hồ Chí Minh huyền thoại.

Tuy nhiên, sản phẩm phát triển còn rời rạc, thiếu tính liên kết giữa các sản phẩm du lịch của các địa phương trong Vùng. Năng lực xây dựng sản phẩm, xúc tiến quảng bá còn hạn chế; chất lượng sản phẩm, dịch vụ còn thấp và không đồng đều; cơ sở vật chất kỹ thuật còn yếu và thiếu. Vùng rất nhạy cảm với tác động đến từ môi trường, đặc biệt là môi trường biển, chịu tác động lớn từ thiên tai. Ngoài ra, du lịch biển chịu ảnh hưởng của tính thời vụ, hạn chế sự phát triển của du lịch Vùng.

Trên cơ sở đánh giá tiềm năng, thực trạng, dự thảo Đề án Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù vùng Bắc Trung Bộ do Viện NCPTDL xây dựng đưa ra định hướng và giải pháp phát triển sản phẩm du lịch đặc thù, chất lượng, khác biệt, có khả năng cạnh tranh cao cho vùng Bắc Trung Bộ. Về định hướng thu hút thị trường, để phát triển thị trường khách du lịch nội địa có thể quan tâm khai thác thị trường khách là các chiến sỹ bộ đội, quân nhân, cựu chiến binh, học sinh, sinh viên… tham gia các hoạt động du lịch hoài niệm, du lịch về nguồn, du lịch tâm linh, nghiên cứu tìm hiểu văn hóa lịch sử dân tộc, du lịch trải nghiệm nhằm giáo dục thế hệ trẻ về lòng yêu nước, tự hào dân tộc.

Đối với thị trường khách quốc tế, Vùng nên chú trọng khai thác các thị trường gần trong khu vực Đông Nam Á như Lào, Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Singapore, Myanmar; các thị trường khách thuộc tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây và khu vực Đông Bắc Á (Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan). Tăng cường khai thác thị trường khách du lịch truyền thống cao cấp từ các quốc gia Tây Âu, Bắc Âu, Bắc Mỹ, Châu Đại Dương.

Để đạt được mục tiêu đặt ra cần triển khai đồng bộ các giải pháp về cơ chế, chính sách, phát triển nguồn nhân lực, ứng dụng khoa học công nghệ, bảo vệ tài nguyên môi trường du lịch, xúc tiến quảng bá du lịch. Đặc biệt, liên kết hợp tác là giải pháp rất quan trọng, mang tính quyết định và cần được tập trung nhằm đẩy mạnh quảng bá hình ảnh, xây dựng thương hiệu du lịch và nâng cao năng lực cạnh tranh du lịch vùng Bắc Trung Bộ.

Đánh giá cao tính thiết thực của đề án Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù vùng Bắc Trung Bộ, các đại biểu tham dự hội thảo đã tích cực trao đổi sâu hơn, nhấn mạnh hướng tiếp cận là xác định thị trường mục tiêu từ đó xác định sản phẩm đặc thù, mang tính khác biệt, độc đáo thu hút khách du lịch.

Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Bắc Trung Bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định định hướng chính về phát triển sản phẩm du lịch của vùng theo hướng phát triển có trọng tâm, trọng điểm, hình thành rõ nét các sản phẩm du lịch dựa trên các thế mạnh nổi trội nhằm đạt các mục tiêu: (1) Đa dạng hóa sản phẩm du lịch hướng tới khắc phục hạn chế về tính thời vụ; (2) Đẩy mạnh liên kết phát triển sản phẩm du lịch; (3) Chú trọng cải thiện chất lượng dịch vụ du lịch và các điều kiện phát triển sản phẩm du lịch.

Hồng Nhung