Tuyên bố Đà Nẵng về thúc đẩy du lịch và thể thao vì sự phát triển bền vững
Cập nhật: 27/09/2016
(TITC) - Ngày 24/9/2016, tại Đà Nẵng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Hội nghị quốc tế về du lịch và thể thao nhân dịp Đại hội thể thao bãi biển châu Á lần thứ 5. Hội nghị đã thông qua tuyên bố Đà Nẵng về thúc đẩy du lịch và thể thao vì sự phát triển bền vững. Trung tâm Thông tin du lịch trân trọng giới thiệu nội dung của bản tuyên bố.

HỘI NGHỊ QUỐC TẾ VỀ DU LỊCH VÀ THỂ THAO

Đà Nẵng, Việt Nam, ngày 24/9/2016

 

TUYÊN BỐ ĐÀ NẴNG VỀ THÚC ĐẨY DU LỊCH VÀ THỂ THAO

VÌ SỰ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

 

BỐI CẢNH SỰ KIỆN

Ngày 24/9/2016, tại Đà Nẵng, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) cùng các quốc gia thành viên UNWTO, đại diện ngành du lịch, thể thao, các nhà hoạch định chính sách, tổ chức quốc tế, tổ chức xã hội dân sự, chuyên gia quốc tế và truyền thông đã gặp và cùng nhau thảo luận về vai trò và tiềm năng của du lịch và thể thao đối với sự phát triển kinh tế xã hội bền vững.

Hội nghị do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tổ chức nhân dịp Đại hội thể thao bãi biển châu Á lần thứ 5.

NHẬN THỨC:

Nhận thức mục đích cốt lõi của UNWTO là “quảng bá và phát triển du lịch nhằm đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế, hiểu biết thế giới, hòa bình, thịnh vượng, tôn trọng và thực thi toàn diện nhân quyền và quyền tự do cơ bản” như đã được thể hiện trong Bản Địa vị của Tổ chức và được lồng ghép trong bộ “Quy tắc ứng xử toàn cầu về du lịch”của UNWTO phát hành năm 1998;

Nhận thức thực tế rằng du lịch và thể thao cũng là quyền cơ bản được thể hiện trong “Tuyên bố về nhân quyền toàn diện” của Liên Hợp quốc năm 1948 (Điều 24/25) và cũng được thể hiện trong hàng loạt Tuyên bố của các tổ chức toàn cầu liên quan đến thể thao như: Tổ chức Nghỉ dưỡng thế giới với phần ‘Hiến chương du lịch’ (năm 1970/1981/2000); Ủy ban Olympic quốc tế năm 2010 với phần ‘Hiến chương’ và phần ‘Hiến chương quốc tế về Giáo dục thể chất và Thể thao’ của UNESCO ban hành năm 1978;

Nhận thức rằng du lịch và thể thao là hai hiện tượng xã hội trong thế kỷ 21, thu hút sự tham gia của hàng triệu người trên toàn thế giới;

KHẲNG ĐỊNH LẠI:

Ghi nhận rằng du lịch và thể thao là hai lĩnh vực bổ trợ cho nhau và cùng chung mục đích như tăng cường hiểu biết, hợp tác chặt chẽ hơn giữa con người với con người từ các nền văn hóa và đời sống khác nhau; tăng cường và thúc đẩy hòa bình giữa các dân tộc; 

Ghi nhận rằng du lịch và thể thao là hai động lực kinh tế quan trọng của xã hội hiện đại với khả năng tạo ra nguồn lực sâu rộng cho kinh tế và xã hội; 

Kêu gọi các tổ chức quốc tế, chính phủ, cơ quan du lịch quốc gia và chính quyền địa phương, các tổ chức du lịch và thể thao, tổ chức thương mại và truyền thông  khu vực châu Á Thái Bình Dương và toàn thế giới ủng hộ và có những biện pháp thích hợp để triển khai Tuyên bố này,

NHẤT TRÍ TRIỂN KHAI CÁC HÀNH ĐỘNG:

1.     Nhận thức đầy đủ về vai trò, tiềm năng và mối quan hệ của du lịch và thể thao đối với các mục tiêu phát triển bền vững;

2.     Tái khẳng định cam kết của ngành du lịch đối với “Quy tắc ứng xử trong du lịch” của UNWTO và các văn bản liên quan đến thể thao để đảm bảo du lịch và thể thao có thể phát triển theo hướng hài hòa và là động lực lẫn nhau, mang lại lợi ích cho tất cả các bên;

3.     Cùng chia sẻ và ghi nhận những bằng chứng rõ ràng thông qua nghiên cứu và thông tin, hướng dẫn về định hướng chính sách, hỗ trợ kỹ thuật, kinh nghiệm quốc tế nhằm tăng cường hiểu biết hơn nữa giữa du lịch và thể thao;

4.     Tạo các điều kiện cần thiết và có trách nhiệm đối với phát triển tự nhiên, văn hóa, con người một cách bền vững và thành công; đồng thời tạo các nguồn lực để thúc đẩy tăng trưởng trong lĩnh vực du lịch và thể thao vì lợi ích kinh tế xã hội;

5.     Khuyến khích giáo dục và đào tạo cũng như tổ chức các chương trình nâng cao năng lực để hỗ trợ và tăng cường khả năng tương hỗ của du lịch và thể thao;

6.     Phối hợp và hợp tác ở cấp độ trong và ngoài khu vực nhằm tận dụng các cơ hội và tiềm năng phát triển du lịch và thể thao;

7.     Đảm bảo cơ chế đối thoại và nỗ lực tập thể để phát triển du lịch và thể thao, ủng hộ mục tiêu toàn cầu của UNWTO;

8.     Nâng cao hợp tác, năng lực và hiểu biết giữa các tổ chức liên quan, ở tất cả các cấp, trong lĩnh vực du lịch và thể thao để các tổ chức này hoạt động hiệu quả và chất lượng hơn trong việc xác định và triển khai thực hiện các hoạt động du lịch và thể thao ở tất cả các cấp;

9.     Tăng cường quan hệ với lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và các lĩnh vực khác có liên quan nhằm tối đa hóa hiệu quả hoạt động phát triển du lịch thể thao, đặc biệt đối với các sự kiện thể thao lớn;

10.  Tận dụng các nguồn lực tài chính cần thiết để tăng cường khả năng tối đa hóa các cơ hội du lịch thể thao trên nhiều cấp độ.

ĐÁNH GIÁ

Các đại biểu trân trọng cảm ơn nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng và UNWTO về sự đón tiếp nồng hậu và bố trí hậu cần tuyệt vời đối với các đại biểu tham dự Hội nghị.

Các đại biểu nhận thức đầy đủ Việt Nam có những tiến bộ và thành quả to lớn trong việc phát triển, quảng bá du lịch và thể thao thông qua các sự kiện lớn trong khu vực.

Ghi nhận Chính phủ Việt Nam ở Trung ương và các địa phương đều coi trọng tầm quan trọng của phát triển du lịch và thể thao đặc biệt thông qua việc đăng cai tổ chức Hội nghị quốc tế về Du lịch và Thể thao.

Các đại biểu cũng đánh giá cao vai trò của thuyết trình viên, người dẫn dắt và chuyên gia tư vấn của UNWTO về những đóng góp cho nội dung sự kiện.

ĐƯỢC THÔNG QUA

Tại Đà Nẵng, Việt Nam ngày 24/9/2016.