Sôi động Lễ hội Lam Kinh 2016
Cập nhật: 23/09/2016
Sáng 22/9, tại Di tích Quốc gia đặc biệt - Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Lam Kinh ở xã Xuân Lam và thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa long trọng khai mạc Lễ hội Lam Kinh 2016, kỷ niệm 598 năm khởi nghĩa Lam Sơn, 583 năm ngày mất Anh hùng dân tộc Lê Lợi.

Một cảnh phần hội Lam Kinh 2016.

Lễ khai mạc được tổ chức theo nghi thức truyền thống. Sau phần rước kiệu Lê Thái Tổ và Trung Túc Vương Lê Lai, dâng hương tưởng niệm Lê Lợi cùng các nghĩa sĩ Lam Sơn, nổi trống khai hội, đọc chúc văn, tế lễ; lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa trình bày diễn văn nêu bật thân thế, sự nghiệp của Anh hùng dân tộc Lê Lợi, người tụ nghĩa, khởi xướng, lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Lam Sơn năm 1418, sau phát triển thành cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc.

Đem đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo; tập hợp, phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân, Lê Lợi cùng bộ tham mưu đã lãnh đạo quân - dân đánh đuổi giặc Minh ra khỏi bờ cõi nước ta, hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc vào năm 1428. Lên ngôi Hoàng đế, Lê Thái Tổ tiếp tục xây dựng, củng cố chính quyền, ban hành các chính sách phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ gìn hòa hảo với các nước láng giềng. Các thế hệ kế tiếp đã kế thừa, xây dựng nên vương triều Hậu Lê thịnh trị, tồn tại dài nhất trong lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam.

Tiếp đó là phần hội hoành tráng, tươi vui, tái hiện sinh động các trò diễn cung đình, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, trò diễn dân gian, nêu bật phát huy bản lĩnh, khí phách, hào khí Lam Sơn trong xây dựng nền thái bình thịnh trị.

Cũng trong dịp này, TP Thanh Hóa, huyện Ngọc Lặc, Hội đồng họ Lê Việt Nam đã tổ chức kỷ niệm 598 năm khởi nghĩa Lam Sơn; lễ giỗ Trung Túc Vương Lê Lai tại đền thờ ông ở xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc, Lê Thái Tổ tại thái miếu nhà Hậu Lê ở phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa, đền thờ Lê Thái Tổ ở xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân và khu lăng mộ, các tòa miếu trong Khu di tích lịch sử Lam Kinh. Ban tổ chức lễ hội cùng các địa phương còn tổ chức đa dạng các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch.

Quần chúng tham quan hiện vật trưng bày tại Khu di tích lịch sử Lam Kinh.

Lễ hội Lam Kinh là dịp ôn lại truyền thống chống giặc ngoại xâm, giữ nước, xây dựng đất nước thế kỷ XV; khắc ghi công lao của các bậc tiền nhân, tiên tổ, định hình tâm lý hướng cội cho thế hệ hôm nay và mai sau. Phát huy truyền thống yêu nước, cách mạng, Đảng bộ, nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa đang đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, phấn đấu xây dựng Thanh Hóa trở thành tỉnh khá của cả nước vào năm 2020, đến năm 2030 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.

Báo Nhân Dân