Bắc Giang khai thác tiềm năng phát triển du lịch
Cập nhật: 25/07/2016
Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương cho biết, tỉnh đã xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển du lịch tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2016 - 2020.
Chùa Bổ Đà (Bắc Giang)

Tỉnh khai thác tiềm năng, phát triển du lịch bền vững, đưa du lịch chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu kinh tế, dần chiếm vị trí quan trọng trong lĩnh vực dịch vụ, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Trước mắt, năm 2016 và năm 2017, tỉnh xây dựng thương hiệu, sản phẩm du lịch Tây Yên Tử; xây dựng đề án tổ chức lễ hội Tây Yên Tử để bắt đầu tổ chức lễ hội chính thức hằng năm từ tháng Giêng năm 2018. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh Quảng Ninh và Hải Dương lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận quần thể di tích nhà Trần và Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử là di sản thế giới. Bắc Giang tập trung xây dựng 3 sản phẩm du lịch đặc trưng là văn hóa - tâm linh; lịch sử - văn hóa; sinh thái - nghỉ dưỡng; phát triển sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng tại các khu du lịch sinh thái, gắn với du lịch cộng đồng. 

Tỉnh Bắc Giang đầu tư tôn tạo di tích cấp quốc gia đặc biệt: Những địa điểm khởi nghĩa Yên Thế; gắn kết du lịch giữa những địa điểm khởi nghĩa Yên Thế với An toàn khu II (huyện Hiệp Hòa) và di tích Công an Khu 12 (huyện Tân Yên) trở thành tuyến du lịch "về nguồn". Tỉnh kêu gọi đầu tư Công viên văn hóa tỉnh theo hình thức xã hội hóa với diện tích từ 100 - 200ha tại khu vực ngoại ô thành phố Bắc Giang; tham mưu đề nghị Thủ tướng Chính phủ bổ sung sân golf Khám Lạng - Chu Điện (huyện Lục Nam) và sân golf Trung Sơn (huyện Việt Yên) vào quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020. 

Cùng với bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt và Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm, tỉnh Bắc Giang quy hoạch, thu hút đầu tư phát triển du lịch chùa Bổ Đà gắn với hệ thống làng cổ, làng nghề (Vân, Thổ Hà) và bảo tồn, phát huy giá trị dân ca quan họ huyện Việt Yên. Tỉnh cũng kêu gọi đầu tư xây dựng Khu du lịch hồ Khuôn Thần; xây dựng sản phẩm du lịch gắn với vùng cây ăn quả huyện Lục Ngạn; xây dựng quy hoạch và đề án mở rộng điểm du lịch cây dã hương nghìn năm tuổi, gắn với đình, chùa Tiên Lục, huyện Lạng Giang... 

Tỉnh phấn đấu đến năm 2020 đạt tổng lượng khách du lịch trên 1 triệu người, trong đó trên 11.700 khách quốc tế, doanh thu từ du lịch đạt trên 830 tỷ đồng. 

Nằm ở vùng Đông Bắc, cách thủ đô Hà Nội khoảng 50km, Bắc Giang là vùng đất có truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời, có nhiều tiềm năng phát triển du lịch. Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 2.230 di tích, với 680 di tích được xếp hạng, nổi bật là những địa điểm khởi nghĩa Yên Thế; di tích chiến thắng Xương Giang; 16 xã An toàn khu II huyện Hiệp Hòa; chùa Vĩnh Nghiêm - chốn tổ thiền phái Trúc Lâm, nơi lưu giữ 3.050 mộc bản được UNESCO công nhận là di sản tư liệu ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Thiền phái Trúc Lâm Phượng Hoàng - huyện Yên Dũng; chùa Bổ Đà, đình, chùa Thổ Hà - huyện Việt Yên; cây dã hương nghìn năm tuổi - Lạng Giang; hồ Cấm Sơn, Khuôn Thần - Lục Ngạn; khu du lịch sinh thái suối Mỡ, suối Nước Vàng - Lục Nam; khu văn hóa tâm linh Tây Yên Tử, cao nguyên Đồng Cao, khu bảo tồn thiên nhiên Khe Rỗ - Sơn Động; dân ca quan họ, ca trù được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại... 

Từ năm 2011 đến nay, tỉnh đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng xây dựng kết cấu hạ tầng các khu, điểm du lịch; tôn tạo, chống xuống cấp tài nguyên du lịch; xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông phục vụ du lịch. Hiện tỉnh Bắc Giang có khách sạn Mường Thanh đạt tiêu chuẩn 4 sao, trên 20 khách sạn 1 - 2 sao và trên 300 nhà nghỉ du lịch. Năm 2016, tỉnh dự kiến đạt 342 cơ sở lưu trú du lịch, tổng số 4.290 buồng nghỉ; tổng khách du lịch 492.000 người, trong đó khách du lịch quốc tế 8.000 người, doanh thu du lịch đạt trên 317 tỷ đồng.

ĐCSVN