Định hướng phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
Cập nhật: 18/07/2016
(TITC) - Chiều ngày 15/7, tại Trụ sở Chính phủ đã diễn ra Hội nghị Định hướng phát triển ngành Du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, dưới sự chủ trì của đồng chí Vương Đình Huệ - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ và đồng chí Vũ Đức Đam -Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Nguyễn Ngọc Thiện đã báo cáo Chính phủ dự thảo Đề án Phát triển du lịch Việt Nam thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Theo đó, để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, du lịch cần có các điểm nổi trội như đóng góp lớn vào nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhiều ngành và địa phương, tạo thu nhập và việc làm cho xã hội, thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần ổn định xã hội... Đề án định hướng đến năm 2020, du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tính chuyên nghiệp, có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối đồng bộ, hiện đại, sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, cạnh tranh được với các nước trong khu vực và thế giới, phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia có ngành du lịch phát triển.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2020, thu hút 14-15 triệu lượt khách quốc tế, tăng trưởng bình quân 12-14%/năm trong giai đoạn 2015-2020; ngành Du lịch đóng góp 9-10% GDP, tổng thu từ khách du lịch đạt 29-32,5 tỷ USD, tăng trưởng 14-16% giai đoạn 2015-2020; tạo ra 3,5 triệu việc làm, trong đó có 1,02 triệu việc làm trực tiếp. Về dịch vụ lưu trú du lịch, tổng số buồng lưu trú là 600.000 buồng, trong đó 30-35% đạt chuẩn 3-5 sao.

Để thực hiện các mục tiêu trên, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng, ngành Du lịch cần khắc phục những hạn chế, nâng cao hiệu quả trong công tác xúc tiến quảng bá du lịch, huy động các nguồn lực xã hội cho phát triển du lịch; tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục nhập cảnh; tăng cường giao thông quốc tế và nội địa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch; tăng cường quản lý điểm đến bền vững và tạo môi trường du lịch văn minh, thân thiện; đẩy mạnh hợp tác liên ngành, liên vùng.

Các đại biểu tham dự hội nghị bày tỏ sự nhất trí cao đối với sự cần thiết và tầm quan trọng của đề án, đồng thời đề nghị ban soạn thảo phân định rõ vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước về du lịch ở trung ương và địa phương; những công việc cần triển khai ở từng cấp, ngành, doanh nghiệp du lịch và người dân; vị trí của từng vùng động lực phát triển du lịch; mối quan hệ liên ngành trong phát triển du lịch.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá cao sự nỗ lực của ban soạn thảo Đề án Phát triển du lịch Việt Nam thành ngành kinh tế mũi nhọn và những ý kiến đóng góp của 18 tỉnh, thành phố tham dự. Phó Thủ tướng khẳng định, thời gian qua du lịch Việt Nam đã có mức tăng trưởng nhanh, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của đất nước, có tác động tích cực, tạo việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn. Với tư cách ngành kinh tế du lịch, hoạt động du lịch cũng thúc đẩy các ngành liên quan phát triển.

Phó Thủ tướng yêu cầu cần phân tích, đánh giá kỹ tiềm năng lợi thế, cơ hội, thách thức của du lịch Việt Nam, đồng thời đúc rút thêm bài học kinh nghiệm của bạn bè quốc tế để ngành du lịch phát triển tương xứng với tiềm năng hiện có.

Phó Thủ tướng cho rằng để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trước hết cần coi du lịch là một ngành kinh tế, phải xây dựng một tư duy kinh tế trong quản lý và vận hành. Từ đó có thước đo cụ thể về tiêu chuẩn, tiêu chí cụ thể về ngành kinh tế dịch vụ chứ không đơn thuần là các chỉ tiêu về số lượng khách du dịch.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ VHTTDL tiếp thu các ý kiến để tiếp tục hoàn thiện đề án trước khi trình Bộ Chính trị, trong đó chú trọng việc đánh giá thực trạng du lịch và chủ trương chính sách phát triển, xác định quan điểm, mục tiêu và cuối cùng là nội dung thực hiện.

Phó Thủ tướng kỳ vọng lần này sẽ có một Nghị quyết của Bộ Chính trị về du lịch và đánh giá đây là cơ hội để ngành du lịch phát triển và cất cánh.

 

Thanh Tâm