Tìm giải pháp hiệu quả phát triển du lịch Đồng bằng sông Cửu Long
Cập nhật: 13/07/2016
(TITC) - Ngày 11/7/2016, tại TP. Vị Thanh (tỉnh Hậu Giang), Tổng cục Du lịch đã phối hợp với UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức hội thảo Phát triển du lịch Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là một trong những hoạt động trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long – Hậu Giang năm 2016 (MDEC – Hậu Giang 2016) diễn ra từ ngày 11 – 15/7/2016.

Toàn cảnh hội thảo (nguồn ảnh: Báo Du lịch)

Tham dự hội thảo có ông Đồng Văn Thanh - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang; ông Hà Văn Siêu - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch; ông  Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch) cùng các đại biểu đến từ các tỉnh, thành phố trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và trên cả nước.

Hội thảo là dịp để các địa phương, doanh nghiệp tìm ra các giải pháp, chương trình hành động, cách làm hiệu quả trong phát triển du lịch, qua đó thúc đẩy liên kết giữa các tỉnh, thành và các khu vực trong khai thác và phát triển du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long. 

Tại hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu đánh giá Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực có tiềm năng du lịch phong phú, đa đạng, cả về tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn, trong đó nổi bật là du lịch sông nước miệt vườn. Đây là 1 trong 7 vùng du lịch trọng điểm của cả nước trong Chiến lược Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo báo cáo, năm 2015, Đồng bằng sông Cửu Long đã đón trên 1,8 triệu lượt khách quốc tế, đứng thứ 4 sau các vùng Đông Nam bộ, Đồng bằng sông Hồng và Duyên hải Nam Trung bộ, chiếm 8,27% lượng khách quốc tế đến Việt Nam và 10,63 triệu lượt khách nội địa. Tuy nhiên, tổng thu từ khách du lịch của toàn vùng chỉ đạt 8.636 tỷ đồng, chiếm chưa tới 3% tổng thu từ khách du lịch so với cả nước. Con số này cho thấy, mặc dù Đồng bằng sông Cửu Long đứng ở vị trí trung bình so với các vùng khác trong cả nước về lượng khách du lịch nhưng lại xếp ở vị trí cuối cùng về giá trị tổng thu từ khách du lịch, chứng tỏ chi tiêu của khách du lịch tại vùng còn rất thấp.

Nguyên nhân du lịch Đồng bằng sông Cửu Long vẫn chậm phát triển, kết quả hoạt động du lịch chưa tương xứng với tiềm năng là do sản phẩm du lịch của vùng còn đơn điệu, thiếu bền vững; sự liên kết trong khai thác, phát triển du lịch giữa các điểm đến, cơ sở dịch vụ du lịch, giữa các tỉnh trong vùng và giữa Đồng bằng sông Cửu Long với các vùng khác trong cả nước còn hạn chế. Bên cạnh đó, công tác xúc tiến du lịch vùng còn thiếu tính chuyên nghiệp, chưa tạo dựng được thương hiệu du lịch chung cho toàn vùng.

Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu cho rằng, để du lịch Đồng bằng sông Cửu Long phát triển tương xứng với tiềm năng, trong giai đoạn mới, toàn vùng cần tập trung xây dựng các sản phẩm mới dựa trên thế mạnh của từng địa phương; định vị thương hiệu du lịch vùng với những giá trị độc đáo của miệt vườn sông nước; đẩy mạnh công tác xúc tiến du lịch theo hướng chuyên nghiệp, ứng dụng e-marketing trong xúc tiến quảng bá du lịch; đẩy mạnh kết nối trong nội vùng và mở rộng với các vùng khác, góp phần quảng bá hình ảnh Đồng bằng sông Cửu Long đến du khách và bạn bè quốc tế.

Lam Phương