Tọa đàm phát triển sản phẩm du lịch Ninh Bình
Cập nhật: 21/06/2016
(TITC) – Với mong muốn lắng nghe những ý kiến đóng góp của doanh nghiệp và cơ quan truyền thông nhằm phát triển du lịch Ninh Bình ngày càng phong phú và chuyên nghiệp, sáng ngày 18/6, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức chương trình Tọa đàm xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch Ninh Bình năm 2016.
Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu phát biểu tại buổi tọa đàm

Tới dự buổi tọa đàm có Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Đinh Trung Phụng, lãnh đạo Sở VHTTDL Ninh Bình, đại diện Ban Quản lý các khu, điểm du lịch trên địa bàn Ninh Bình, đại diện Sở VHTTDL các tỉnh Hà Nam, Nam Định, Thanh Hóa cùng hơn 50 đơn vị doanh nghiệp lữ hành và truyền thông.

Nằm trong khu vực Đồng bằng Bắc Bộ, Ninh Bình là địa phương có nguồn tài nguyên đa dạng, độc đáo có giá trị về cảnh quan, văn hóa, lịch sử như Quần thể danh thắng Tràng An đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, Cố đô Hoa Lư, hệ sinh thái rừng Cúc Phương, khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước lớn nhất Đồng bằng Bắc bộ Vân Long…

Đến nay, cơ sở vật chất của tỉnh đã đạt được bước tiến đáng kể và đáp ứng được nhu cầu đa dạng của khách từ bình dân đến cao cấp, với trên 390 cơ sở lưu trú cung cấp hơn 5000 phòng nghỉ, 800 nhà hàng với trên 2.000 phòng ăn. Ngoài ra, tính đến năm 2015, Ninh Bình có hơn 66 dự án đầu tư du lịch với tổng số vốn trên 100 nghìn tỷ đồng; tổng số lao động ngành du lịch 20.000 người, trong đó có 7.000 lao động trực tiếp.

Từ trái sang: Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Đinh Trung Phụng, Giám đốc Sở VHTTDL Ninh Bình Bùi Thành Đông chủ trì buổi tọa đàm

Theo đại diện Sở VHTTDL Ninh Bình, năm 2015 Ninh Bình đón 6 triệu lượt khách du lịch, trong đó khách nội địa đạt 5,4 triệu lượt, 600.000 khách quốc tế, tổng thu đạt 1.421 tỷ đồng. Riêng 6 tháng năm 2016 Ninh Bình đón hơn 4,5 triệu lượt khách, tăng 3,12% so với cùng kỳ năm 2015, tổng thu đạt  trên 1.000 tỷ đồng, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm 2015. Tuy nhiên, khách du lịch đến Ninh Bình thường lưu lại trong thời gian ngắn, mức độ chi tiêu thấp, do vậy mà lượng khách đến Ninh Bình tuy không ít, nhưng doanh thu lại không cao. Thực trạng đó đòi hỏi ngành du lịch cần tìm giải pháp để kéo dài thời gian lưu trú của khách, khuyến khích khách sử dụng nhiều dịch vụ hơn, đóng góp cho sự phát triển kinh tế của địa phương.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu nhấn mạnh, với lợi thế sẵn có, thời gian qua, được sự quan tâm của các cấp chính quyền, du lịch Ninh Bình đã có những bước phát triển đáng khích lệ, đang dần trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Nhiều hoạt động đầu tư, phát triển sản phẩm, xúc tiến, quảng bá, đào tạo nguồn nhân lực đã được các cơ quan quản lý du lịch địa phương quan tâm, từng bước hiện đại. Tuy nhiên, so với tiềm năng mà Ninh Bình sở hữu, sự phát triển của du lịch, đóng góp của du lịch vẫn chưa tương xứng với sự mong đợi và kế hoạch đặt ra. Phó Tổng cục trưởng hi vọng, đây sẽ là cơ hội tốt để các doanh nghiệp du lịch, truyền thông đưa ra những ý kiến tham mưu cho Ninh Bình để du lịch tỉnh ngày càng phát triển.

Toàn cảnh buổi tọa đàm

Các đại biểu tham dự cho rằng, để thu hút khách du lịch đến với Ninh Bình nhiều hơn và lưu lại lâu hơn thì Ninh Bình cần đa dạng hóa các loại hình sản phẩm du lịch trong đó chú ý đến sự tinh tế, độc đáo, khác biệt của sản phẩm; Đẩy mạnh phát triển các loại hình văn hóa truyền thống của địa phương phục vụ khách du lịch; Tăng cường đầu tư các điểm vui chơi giải trí về đêm như chợ đêm, diễn xướng, tham quan chiêm bái về đêm... Du lịch Ninh Bình cần có sự liên kết giữa các điểm du lịch, các địa phương làm giảm tính mùa vụ và giảm tải lượng khách trong mùa cao điểm; Tăng cường đầu tư đào tạo nguồn nhân lực mới và tại chỗ, đào tạo kỹ năng phục vụ chuyên nghiệp, nâng cao trình độ ngoại ngữ; Quảng bá và phát triển những đặc sản, quà lưu niệm đặc trưng của tỉnh; Tăng cường đầu tư, mời gọi tổ chức các sự kiện lớn mang tầm quốc gia, khu vực; Đầu tư vào cơ sở hạ tầng, mở rộng các tuyến đường đi đến các điểm du lịch…

Cảm ơn và ghi nhận những ý kiến chia sẻ hữu ích từ các doanh nghiệp lữ hành, đại diện các cơ quan truyền thông, Giám đốc Sở VHTTDL Ninh Bình Bùi Thành Đông khẳng định, trong chức năng, nhiệm vụ, Sở sẽ tham mưu cho lãnh đạo tỉnh các bước đi phù hợp nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh, khắc phục những hạn chế, tồn tại để du lịch Ninh Bình phát triển mạnh mẽ trong tương lai.

Trước đó, trong hai ngày 16 và 17/6, các đại biểu tham dự đã đi khảo sát một số khu, điểm du lịch và cơ sở dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh Ninh Bình như: Bảo tàng Ninh Bình, Đền thờ Trương Hán Siêu, Chùa Non Nước, Đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng, Động Hoa Lư (Thung Lau), Khu nghỉ dưỡng Emeralda; Khu du lịch sinh thái Tràng An; Tham quan chiêm bái chùa Bái Đính về đêm…

Tin, ảnh: Hương Lê