Hội thảo xây dựng sân bay thân thiện với khách du lịch nhằm nâng cao chất lượng trải nghiệm của du khách trong khu vực APEC
Cập nhật: 25/05/2016
(TCDL) - Ngày 24/5/2016, tại Lima, Peru, Hội thảo xây dựng sân bay thân thiện với khách du lịch nhằm nâng cao chất lượng trải nghiệm của du khách trong khu vực APEC đã được tổ chức trong khuôn khổ hợp tác du lịch Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC).

Đây là nỗ lực hướng tới xây dựng các hướng dẫn xây dựng sân bay thân thiện và một hệ thống xếp hạng hoặc chấm điểm để các sân bay tự đánh giá mức độ “thân thiện với du khách” của mình, trong sáng kiến Tạo điều kiện đi lại thuận lợi trong APEC (TFI) được triển khai từ năm 2011.

Tham gia Hội thảo có Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC), Ủy ban các sân bay quốc tế (ACI), Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế và đại diện ngành hàng không và du lịch các nước APEC. Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn đã dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội thảo.

Nhiều thông tin, kết quả quan trọng đã được cập nhật và trình bày tại Hội thảo. Hiện nay, khoảng 51% khách du lịch quốc tế sử dụng đường hàng không. Sự phát triển của ngành hàng không, kết nối các điểm đến đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng liên tục của lượng khách du lịch quốc tế. Các nước chi tiêu lớn nhất cho du lịch quốc tế năm 2015 gồm: Trung Quốc (292 tỷ đô la Mỹ), Mỹ (120 tỷ đô la Mỹ), Đức (76 tỷ đô la Mỹ), Anh (63 tỷ đô la Mỹ), Pháp (28 tỷ đô la Mỹ). Năm 2015 chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ đối với lưu lượng khách đi lại bằng đường hàng không tại các sân bay, trong đó một số sân bay tại châu Á ở vị trí hàng đầu thế giới như: sân bay Bắc Kinh (gần 90 triệu lượt), Haneda (hơn 75 triệu lượt), Hongkong (68 triệu lượt), Thượng Hải (60 triệu lượt), Singapore (55 triệu lượt), Quảng Châu (55 triệu lượt), Jakarta (54 triệu lượt) và Bangkok (53 triệu lượt).

Để sân bay thực sự thân thiện với khách du lịch, các đại biểu thảo luận và thống nhất một số yếu tố quan trọng, bao gồm dịch vụ ở tất cả các khâu xử lý theo quy trình; cơ sở vật chất, đảm bảo sạch sẽ, thân thiện và mang bản sắc riêng của điểm đến; công nghệ hỗ trợ các khâu, các dịch vụ một cách hiệu quả; và nhân viên thân thiện, lịch sự, coi trọng chất lượng dịch vụ và sự hài lòng của du khách.

Một trong những vấn đề đặt ra với hệ thống các sân bay hiện nay là trong số 194 sân bay chính khu vực APEC, gần 40% hoạt động quá công suất thiết kế, dự báo đến năm 2031, 90% các sân bay chính sẽ hoạt động hết công suất, trong khi việc mở rộng và xây dựng các sân bay mới không dễ dàng. Các báo cáo cũng nêu rõ đặc điểm của khách du lịch đường hàng không hiện nay có xu hướng ngày càng trẻ hơn, thích sử dụng công nghệ hơn và tỷ lệ lớn trong nhóm tuổi 25-34 (25%), 35-44 (24%) và 45-54 (22%).

Tại Hội thảo, các diễn giả và đại biểu cũng đã trao đổi kinh nghiệm cụ thể nhằm phát triển sân bay thân thiện với khách du lịch qua mô hình của các sân bayBrisbane (Úc), Narita (Nhật Bản), Jorge Chavez (Peru) và Portland (Hoa Kỳ).

Phát biểu tại Hội thảo, đoàn Việt Nam chia sẻ quan điểm với các diễn giả về tầm quan trọng đặc biệt của các sân bay trong phát triển du lịch nói riêng và kinh tế nói chung cũng như đối với sự kết nối các nền kinh tế trong APEC; nhấn mạnh vai trò kết nối Việt  Nam với các điểm đến quốc tế, đặc biệt là các nền kinh tế APEC, đồng thời liên kết chặt chẽ các điểm đến nội địa, góp phần giúp ngành du lịch Việt Nam đón triệu 7,94 triệu lượt khách du lịch quốc tế và 57 triệu lượt khách du lịch nội địa năm 2015. Đồng thời, đoàn Việt Nam đã nhấn mạnh sự hợp tác từ nhiều bên, đặc biệt là ngành hàng không, ngành du lịch, chính quyền địa phương và các doanh nghiệp để hiện thực hóa các ý tưởng về một sân bay thân thiện với du khách. Đồng thời, đoàn tích cực tham gia thảo luận về sự cần thiết và biện pháp tăng cường hợp tác giữa các hệ thống hoạt động trong các sân bay.

Kết quả của Hội thảo sẽ được tiếp tục thảo luận tại Phiên họp Nhóm Công tác phát triển du lịch APEC và Hội nghị Bộ trưởng du lịch APEC./.

Vụ Hợp tác quốc tế, Tổng cục Du lịch