Đồng Rui (Quảng Ninh) hướng đến phát triển du lịch sinh thái
Cập nhật: 17/03/2016
Nằm ven quốc lộ 18B, thuận tiện thông thương, xã Đồng Rui (huyện Tiên Yên) có biển, rừng ngập mặn với diện tích tự nhiên trên 4.900ha, trong đó diện tích đất ngập nước 3.000ha, diện tích có rừng ngập mặn 1.750ha, có hệ sinh thái đa dạng, nguồn lợi hải sản phong phú, có những loài giá trị kinh tế cao, như: Ốc đĩa, ngán, cua biển, ruốc, cá bớp, sá sùng, bông thùa, các loại cá...
Với tiềm năng về biển, rừng ngập mặn, Đồng Rui có nhiều lợi thế để phát triển du lịch

Rừng được phân bố phân tầng rõ rệt bao gồm các loài cây ngập mặn mọc ở độ cao, thấp của mặt bãi và nước thuỷ triều khác nhau, như: Sú, đước, trang, vẹt, mắm, bần chua, cóc, ráng, giá, tra... Sự đa dạng sinh học ở đây rất phong phú, có đến hàng trăm loài. Cùng với rừng ngập mặn, Đồng Rui còn có bãi biển Lòng Vàng đẹp nguyên sơ, hút hồn có khả năng lưu giữ du khách đã từng đặt chân đến, đây là những điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế…

Theo anh Phạm Văn Hải, Bí thư Đảng uỷ kiêm Chủ tịch UBND xã Đồng Rui, đây là tiềm năng rất lớn cho phát triển du lịch sinh thái rừng ngập mặn, du lịch trải nghiệm. UBND tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt Đề cương thành lập khu bảo tồn đất ngập nước Đồng Rui - Tiên Yên - Quảng Ninh. Trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2020 - 2050 cũng nói rõ về việc phát triển kinh doanh du lịch Đồng Rui. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Tiên Yên cũng đề cập xây dựng kinh doanh du lịch sinh thái Đồng Rui giai đoạn 2015 - 2020. Trên cơ sở đó xã cũng đã đưa ra nghị quyết phát triển du lịch sinh thái và phát triển các khu đất phục vụ quy hoạch hạ tầng du lịch. Xã đã thuê Công ty TNHH Đầu tư Hoàng Anh tư vấn thiết kế website, bộ nhận diện du lịch Đồng Rui. Trong quý III năm nay, huyện khảo sát, đánh giá tiềm năng du lịch và xây dựng Quy hoạch phát triển du lịch Đồng Rui. Hiện xã đã bố trí quỹ đất dành cho hạ tầng du lịch gồm 1.800ha; có kế hoạch mở rộng trục đường chính vào trung tâm xã với chiều ngang 7m và tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư khi có quy hoạch.

Nhằm chuẩn bị cho những định hướng đó được thực hiện thành công, xã đã chú ý đào tạo nguồn nhân lực, như mở các lớp sơ cấp nấu ăn, chú ý các đối tượng kinh doanh nhà hàng; khuyến khích học sinh nâng cao trình độ ngoại ngữ, đối tượng này sẽ được ưu tiên hàng đầu trong lộ trình phát triển du lịch của xã. Đồng thời, phát triển các sản phẩm địa phương để phục vụ cho du lịch…

Bên cạnh định hướng phát triển du lịch, Đồng Rui thực hiện khá hiệu quả mô hình nuôi trồng thuỷ sản với diện tích 560ha, như nuôi vịt đẻ trứng nước lợ quy mô 15.000 con (từ 12.000 - 13.000 quả trứng vịt biển/ngày); vịt thương phẩm duy trì ổn định 5.000 con. Các mô hình nuôi hầu cửa sông, tôm thẻ chân trắng, cá rô phi đơn tính nước lợ (sản lượng cá khoảng 100 tấn/năm). Điển hình như Công ty TNHH MTV Sao Đại Dương đã hoàn thiện hạ tầng nuôi trồng thuỷ sản 103ha, hiện đã nuôi trồng trên diện tích 30ha; doanh thu 100 tỷ đồng/năm, lợi nhuận 30 tỷ đồng/năm; riêng tôm thẻ chân trắng được nuôi bằng hình thức áp dụng công nghệ cao, sản lượng khoảng 16 tấn/ha, mỗi năm 2 vụ.

Song song với nuôi trồng thuỷ sản, Đồng Rui phát triển khá tốt vùng sản xuất, chăn nuôi tập trung. Hiện toàn xã đã có 30 trang trại tổng hợp. Ông Lê Đạo Toàn (thôn Thượng), cho biết: Gia đình ông đã áp dụng mô hình trang trại tổng hợp nuôi gà Tiên Yên, cá rô phi đơn tính, tôm thẻ chân trắng, tôm sú, vịt đẻ trứng… từ 5 năm nay. Với 1.000 con vịt, 500 con gà, 1ha cá rô phi đơn tính, 2ha tôm cùng với kinh doanh thức ăn gia súc, gia cầm… mỗi năm doanh thu khoảng 1,5 tỷ đồng, lợi nhuận từ 300-500 triệu đồng.

Bên cạnh đó, Đồng Rui cũng nổi tiếng với thương hiệu khoai lang Đồng Rui (diện tích trên 50ha) và dọc mùng… “Các sản phẩm của Đồng Rui khi chưa đến ngày thu hoạch đã được các thương lái đến đặt hàng” - anh Hải chia sẻ. Hiện thu nhập bình quân đầu người cuối năm 2015 của xã là 38 triệu đồng, cao hơn 4 triệu đồng so với năm 2014.

Những bước đi của Đồng Rui không những góp phần nâng cao đời sống nhân dân, mà phù hợp với lộ trình định hướng phát triển kinh tế của tỉnh và địa phương. Tuy nhiên, để Đồng Rui thực sự phát triển và trở thành điểm du lịch của Tiên Yên nói riêng, Quảng Ninh nói chung, theo anh Hải, Đồng Rui còn phải khắc phục nhiều khó khăn. Trước mắt là cơ sở hạ tầng còn bất cập, nhất là đường giao thông; chưa có hệ thống cung cấp nước ngọt phục vụ sinh hoạt, dịch vụ, sản xuất; chưa có quy hoạch du lịch, trong khi đã có khá nhiều nhà đầu tư đến khảo sát và tìm kiếm cơ hội phát triển kinh tế du lịch trên địa bàn.

Báo Quảng Ninh