Thái Nguyên đầu tư 15.000 tỷ đồng xây dựng Khu du lịch Hồ Núi Cốc
Cập nhật: 18/02/2016
Ngày 17/2, tại Khu di tích lịch sử Đền Gàn, xã Vạn Thọ, huyện Đại Từ (Thái Nguyên), tỉnh Thái Nguyên và Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường đã tổ chức lễ động thổ Dự án xây dựng Khu du lịch Hồ Núi Cốc với tổng mức đầu tư khoảng 15.000 tỷ đồng.
Bộ trưởng Trần Đại Quang phát biểu tại lễ động thổ. (Ảnh: Hoàng Nguyên/TTXVN)

Dự lễ động thổ có Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ thông tin và Truyền thông, Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Giáo hội Phật giáo Việt Nam và một số bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên và đông đảo người dân địa phương.

Phát biểu tại lễ động thổ, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang đánh giá cao những thành tích của tỉnh Thái Nguyên trong phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua, nhất là trong việc thu hút đầu tư, phát triển sản xuất công nghiệp, phát huy giá trị vật thể và phi vật thể của trà Thái Nguyên. 

Bộ trưởng Trần Đại Quang cho rằng, việc đầu tư xây dựng Khu du lịch Hồ Núi Cốc liên kết với Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt an toàn khu Định Hóa và các khu di tích lịch sử vùng Việt Bắc tạo thành quần thể du lịch văn hóa mang tầm quốc tế là điểm nhấn quan trọng để quảng bá, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước, góp phần vào sự phát triển của du lịch Việt Nam. 

Do vậy, để dự án xây dựng Khu du lịch Hồ Núi Cốc được triển khai, sớm đi vào hoạt động, tỉnh Thái Nguyên cần tiến hành rà soát, bổ sung hoàn chỉnh quy hoạch phù hợp với quy hoạch chung của du lịch các tỉnh trong vùng, phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư trong công tác giải phóng mặt bằng, tổ chức thực hiện tốt các nội dung đầu tư của dự án. 

Các bộ, ngành liên quan như: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần quan tâm, hướng dẫn chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ dự án, tạo điều kiện để dự án triển khai đảm bảo tiến độ, chất lượng, hiệu quả. 

Còn doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường cần nghiêm túc thực hiện các cam kết trong đầu tư xây dựng các hạng mục công trình, đảm bảo năng lực tài chính, tập trung mọi nguồn lực để triển khai dự án đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng công trình xứng tầm quốc gia và quốc tế...

Theo báo cáo của Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường, mục tiêu chính của Dự án xây dựng Khu du lịch Hồ Núi Cốc là xây dựng Khu du lịch Hồ Núi Cốc kết nối với các khu di tích lịch sử: an toàn khu Định Hóa, di tích lịch sử Tân Trào (Tuyên Quang), khu du lịch Hồ Ba Bể (Bắc Kạn), tạo thành mắt xích quan trọng trong chuỗi du lịch sinh thái, tâm linh, lịch sử với Thủ đô Hà Nội, trở thành quần thể khu du lịch mang tầm quốc gia, hướng tới đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa, thiên nhiên thế giới.

Dự án bao gồm các khu chức năng chính: khu tâm linh với chùa Tháp cao 150m, đền thờ Tam Tòa Thánh Mẫu, đền thờ Tam Thánh: Cao Sơn, Quý Minh Đại Vương, Trần Hưng Đạo; khu dịch vụ đón tiếp gồm trung tâm đón tiếp, khách sạn 5 sao, sân golf 36 lỗ, bến thuyền; các tuyến du lịch quanh hồ Núi Cốc; khu làng văn hóa các dân tộc...

Giai đoạn 1 của Dự án (2016 - 2019), chủ đầu tư tập trung xây dựng các công trình giao thông: đường vào hồ Núi Cốc, đường quanh hồ Núi Cốc, đường kết nối từ hồ Núi Cốc đến Khu di tích lịch sử an toàn khu Định Hóa; xây dựng đền thờ Tam Tòa Thành Mẫu, khu chùa Tháp, khu bến thuyền, khu bến xe điện... 

Dự kiến, đến hết năm 2019, dự án hoàn thành giai đoạn 1 và bắt đầu đón khách du lịch.

Quy hoạch xây dựng vùng du lịch Hồ Núi Cốc đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030 đã được tỉnh Thái Nguyên công bố năm 2011 và có 10 doanh nghiệp được trao giấy chứng nhận đầu tư giai đoạn I với tổng vốn đăng ký hơn 9.600 tỷ đồng. 

Tuy vậy, gần 5 năm qua, các dự án đầu tư vẫn còn nằm trên giấy trong khi khu du lịch hiện tại do Công ty cổ phần khách sạn du lịch công đoàn Hồ Núi Cốc đầu tư xây dựng nhiều năm qua vẫn chưa có quy mô tương xứng với tiềm năng du lịch ở đây.

Vietnam+