Tổng cục Du lịch tổ chức họp báo về hoạt động ngành năm 2015 và triển khai nhiệm vụ năm 2016
Cập nhật: 18/01/2016
(TITC) – Ngày 15/1/2016, tại Hà Nội, Tổng cục Du lịch tổ chức họp báo về tình hình hoạt động của ngành Du lịch năm 2015 và triển khai nhiệm vụ năm 2016. Tham dự buổi họp báo có khoảng 70 phóng viên đại diện các cơ quan thông tấn báo chí trung ương và địa phương.

Toàn cảnh buổi họp báo

Tại buổi họp báo, Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu giới thiệu khái quát những kết quả hoạt động của ngành Du lịch Việt Nam năm 2015 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2016.

Theo đó, năm 2015 chứng kiến những dấu ấn, chuyển biến tích cực của ngành Du lịch. Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, ngành Du lịch đã đạt được những kết quả đáng chú ý, ngăn chặn sự suy giảm khách du lịch quốc tế trong 6 tháng đầu năm, phục hồi đà tăng trưởng, đón hơn 7,94 triệu lượt khách quốc tế (tăng 0,9% so với năm 2014), phục vụ 57 triệu lượt khách du lịch nội địa; tổng thu từ khách du lịch đạt 337.830 tỷ đồng.

Vượt khó thành công đến từ sự cộng hưởng những nỗ lực của toàn ngành với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Chính phủ dành cho ngành Du lịch thông qua những chính sách quan trọng tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch: Nghị quyết 92/NQ-CP ngày 08/12/2014 của Chính phủ về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới; Nghị quyết số 39/NQ-CP ngày 01/6/2015 về việc miễn thị thực cho công dân Cộng hòa Belarus; Nghị quyết số 46/NQ-CP ngày 18/6/2015 về việc miễn thị thực đối với công dân các nước Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha và I-ta-li-a; Chỉ thị số 14/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 02/7/2015 về tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, khắc phục yếu kém, thúc đẩy phát triển du lịch. Cùng với đó, ngành Du lịch đã chủ động triển khai các hoạt động một cách nhanh chóng và quyết liệt với sự tham gia, phối hợp của các Bộ, ban, ngành liên quan giúp cho ngành Du lịch vượt qua được khó khăn.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu phát biểu tại họp báo

Năm 2015 cũng là năm bùng nổ của hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch cao cấp, tạo nền tảng cho việc đón khách du lịch nghỉ dưỡng có chi tiêu cao và lưu trú dài ngày. Đến năm 2015, cả nước có 18.850 cơ sở lưu trú với 360.000 buồng, trong đó có 94 khách sạn 5 sao với 24.966 buồng, 220 khách sạn 4 sao với 28.355 buồng, 442 khách sạn 3 sao với 30.830 buồng. Đặc biệt, nhiều dự án đầu tư có quy mô lớn của các nhà đầu tư chiến lược vào lĩnh vực du lịch như VinGroup, SunGroup, FLC, Tuần Châu, Mường Thanh… được đưa vào hoạt động góp phần hình thành hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch hiện đại và cao cấp tại nhiều địa phương như Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc…, tạo động lực cho phát triển du lịch của địa phương nói riêng và của cả nước nói chung, góp phần thúc đẩy tăng trưởng khách quốc tế đến Việt Nam.

Đặc biệt, công tác xúc tiến quảng bá du lịch được tăng cường mạnh mẽ và đổi mới cả về nội dung và hình thức. Cùng với các phương thức truyền thống như tham gia hội chợ, đón các đoàn famtrip/presstrip, tổ chức phát động thị trường tại nước ngoài, ngành Du lịch đã chú trọng đẩy mạnh ứng dụng e-marketing trong xúc tiến quảng bá. Hợp tác công – tư trong xúc tiến quảng bá du lịch được thúc đẩy và phát huy hiệu quả.

Công tác liên kết phát triển sản phẩm du lịch được chú trọng, hình thành các nhóm sản phẩm du lịch chuyên đề như du lịch golf, du lịch mạo hiểm, du lịch đường sông, du lịch tàu biển, du lịch MICE… và liên kết vùng ngày càng được đẩy mạnh, phát huy hiệu quả.

Bên cạnh những kết quả đạt được, du lịch Việt Nam vẫn còn những hạn chế cần khắc phục trong quản lý điểm đến du lịch theo hướng bền vững; nguồn lực, quy mô và tính chuyên nghiệp trong hoạt động quảng bá xúc tiến; chất lượng nguồn nhân lực du lịch; sự bài bản, chuyên nghiệp trong công tác thống kê, dự báo.

Những kết quả đạt được trong năm 2015 là tiền đề quan trọng cho sự phát triển của du lịch Việt Nam trong năm 2016 và giai đoạn tiếp theo. Năm 2016, du lịch Việt Nam phấn đấu đón 8,5 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 60 triệu lượt khách nội địa (trong đó khách lưu trú đạt 31 triệu lượt), tổng thu từ khách du lịch đạt 370.000 tỷ đồng.

Năm 2016, ngành Du lịch sẽ tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm: (1) Tăng cường hoạt động quản lý nhà nước, trong đó tập trung hoàn thiện dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi) báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét và tiếp tục triển khai Nghị quyết 92/NQ-CP và Chỉ thị số 14/CT-TTg…; (2) Chủ động hội nhập quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh Cộng đồng Kinh tế ASEAN đã được hình thành; (3) Tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển hạ tầng và cơ sở dịch vụ du lịch; (4) Xúc tiến quảng bá du lịch thông qua việc tổ chức và tham gia các hoạt động, sự kiện lớn trong nước và quốc tế; (5) Đẩy mạnh liên kết phát triển du lịch; (6) Nâng cao tính chuyên nghiệp.

Tại buổi họp báo, Tổng cục Du lịch đã dành thời gian trả lời các câu hỏi của phóng viên báo chí tập trung vào các nội dung: mở rộng diện miễn thị thực, chiến lược xúc tiến quảng bá du lịch, các thị trường trọng điểm của du lịch Việt Nam, cơ hội và thách thức mà Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mang lại cho du lịch Việt Nam, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp du lịch trong bối cảnh đầy thách thức hiện nay, khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn nghề du lịch của lao động Việt Nam và vấn đề tự do dịch chuyển lao động trong ASEAN…

Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn phát biểu tại họp báo

Phát biểu tại buổi họp báo, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn đánh giá cao vai trò, sự đóng góp, hỗ trợ của các cơ quan truyền thông, báo chí làm nên thành công của du lịch Việt Nam. Tổng cục trưởng cho biết ngành Du lịch kỳ vọng và dự báo tín hiệu lạc quan trong tăng trưởng khách quốc tế đến Việt Nam và chất lượng khách nội địa, có thể tăng trưởng ở mức 2 con số trong quý I năm 2016. Ngành Du lịch đang tập trung đổi mới, nâng cao hiệu quả và tính chuyên nghiệp trong hoạt động quảng bá xúc tiến, cụ thể: tiếp tục triển khai chiến lược marketing của du lịch Việt Nam; đã xây dựng và phổ biến kế hoạch quảng bá, xúc tiến du lịch năm 2016 tới các địa phương và doanh nghiệp ngay từ đầu năm; gắn chặt quảng bá xúc tiến với từng thị trường; huy động các nguồn lực, các địa phương du lịch trọng điểm tham gia một số sự kiện, ví dụ năm 2016 Sở Du lịch Hà Nội sẽ chủ trì tham gia các hội chợ du lịch quốc tế như BITE tháng 6/2016 tại Bắc Kinh (Trung Quốc), JATA tháng 9/2016 tại Tokyo (Nhật Bản), TOP RESA tháng 9/2016 tại Paris (Pháp)…

Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn cũng tin tưởng trong thời gian tới nhận thức xã hội về vai trò của du lịch sẽ được nâng lên, cùng với đó sự quan tâm và ủng hộ của các cơ quan truyền thông, báo chí đối với ngành Du lịch sẽ tiếp thêm sức mạnh cho ngành vượt qua khó khăn, thách thức và phát triển tương xứng với tiềm năng và đầu tư.

Trong buổi họp báo, Tổng cục Du lịch đã công bố 10 hoạt động, sự kiện du lịch tiêu biểu năm 2015 theo kết quả bầu chọn của phóng viên các cơ quan báo chí và Dự án EU-ESRT đã chính thức bàn giao bộ tài liệu song ngữ “Tiêu chuẩn nghề du lịch Việt Nam – VTOS phiên bản 2013” cho Tổng cục Du lịch.

Tin, ảnh: Hồng Nhung