Những thiên đường ngắm tuyết đẹp "mê hồn" ở Việt Nam
Cập nhật: 22/12/2015
Không cần phải sang tận Mỹ hay châu Âu, một số địa danh ở các tỉnh phía Bắc của dải đất hình chữ S cũng có những điểm ngắm tuyết rơi tuyệt đẹp.

Sa Pa (Lào Cai)

Nằm về phía tây bắc ở độ cao 1.600 m so với mực nước biển, Sa Pa là một trong những nơi có băng tuyết xuất hiện nhiều nhất ở Việt Nam. Đến Sa Pa, du khách có thể bắt gặp tuyết ở nhiều khu vực quanh thị trấn như Cổng Trời, thác Bạc, núi Hoàng Liên Sơn, đèo Ô Quý Hồ.

Sa Pa nằm ở độ cao 1.600m so với mực nước biển, được xem là một trong những vùng có khí hậu lạnh nhất Việt Nam. Vào mùa đông, nhiệt độ ở Sa Pa  thường xuyên xuống dưới 0ºC, xuất hiện băng giá và có tuyết rơi.

Thời điểm xuất hiện băng tuyết ở Sa Pa thường tập trung từ tháng 12 năm trước đến tháng 2 năm sau, kèm mưa phùn, giá rét. Theo thống kê, trong khoảng thời gian từ năm 1971 tới nay, tuyết rơi tại Sa Pa gần 20 lần. Lần tuyết rơi mạnh nhất là vào ngày 13/2/1968, liên tục từ 3h sáng đến 14h cùng ngày, dày tới 20cm.

Đặc biệt vào mùa tuyết rơi, khung cảnh Sa Pa biến đổi đến lạ, khoác lên sắc màu mùa đông Châu Âu đầy mê hoặc. Băng tuyết tràn ngập không gian, kết thành chùm trên cành cây, ngọn cỏ... phủ khắp nhà cửa, lối đi... những cành thông, cành đào như nở những bông hoa tuyết long lanh, huyền ảo.

Tuyết rơi tạo thành một màu trắng bồng bồng trên những mỏm núi... những thửa ruộng bậc thang cũng phủ đầy băng tuyết như những nấc thang trắng dẫn lên thiên đường... và khi những tia nắng mùa đông chiếu xuống "thảm tuyết", bức tranh Sa Pa càng trở nên lung linh với gam màu trắng sáng rực rỡ, làm mê mẩn bao tâm hồn mơ mộng.

Mùa này, trên con đường quanh co dẫn lên Sa Pa lại được hâm nóng bởi những trái tim háo hức muốn khám phá vẻ đẹp thiên nhiên kỳ thú, mong một lần được chiêm ngưỡng tuyết rơi ở miền nhiệt đới.

Các khu vực thường tập trung tuyết rơi ở Sa Pa là đỉnh Fansipan, dọc cung đèo Ô Quy Hồ, thác Bạc và thị trấn Sa Pa. Riêng ở thị trấn, bạn có thể ngắm tuyết phủ rất đẹp ở các điểm như: nhà thờ đá, vườn hoa, bờ hồ trung tâm, và sân mây trên núi Hàm Rồng - từ đây có thể ngắm toàn cảnh Sa Pa chìm trong tuyết trắng.

Phia Oắc (Cao Bằng)

Phia Oắc là một cái tên còn khá mới mẻ đối với nhiều du khách. Trước đây người Pháp chọn nơi này để xây dựng các khu nghỉ dưỡng cao cấp dành cho binh lính và sĩ quan. Hiện vẫn còn một số biệt thự cổ còn được lưu giữ và là điểm đến không thể bỏ qua khi du khách tham quan. Đặc biệt hơn cả, du lịch mùa đông ở nơi đây, du khách có thể được nhìn thấy những bông tuyết rơi trải dài trên những mái nhà và cành cây và  có khi trắng cả cảnh rừng.

Hiện một số biệt thự cổ của người Pháp vẫn còn được lưu giữ và là điểm đến không thể bỏ qua khi khách du lịch đến tham quan. Tuy không thường xuyên có tuyết rơi như Sa Pa nhưng nếu may mắn, bạn có thể trông thấy những bông tuyết trải dài trên những mái nhà và cành cây khô khốc, có khi trắng cả cánh rừng.

Tây Côn Lĩnh (Hà Giang)

Tây Côn Lĩnh là một đỉnh núi thuộc khối núi thượng nguồn sông Chảy ở phía tây tỉnh Hà Giang. Dãy núi Tây Côn Lĩnh trải dải trên hai huyện Hoàng Su Phì và Vị Xuyên, cách thị xã Hà Giang 46 km. Với độ cao 2419 m, đây là đỉnh cao nhất vùng Đông Bắc và là một trong những đỉnh núi cao nhất Việt Nam. Do có vị trí địa lý đặc biệt y nên đây được coi là cung đường “huyền thoại” hội tụ đủ những cung bậc cảm xúc, từ ấm áp, rét mướt, hồi hộp, thăng hoa ... So với các điểm ngắm băng tuyết khác, đường lên Tây Côn Lĩnh rất khó đi. Tuy nhiên, với những cánh rừng băng trải dài ngút ngàn tầm mắt, tuyết phủ trắng xóa từng nhành cây, ngọn cỏ, Tây Côn Lĩnh vẫn được không ít bạn trẻ chọn là nơi tận hưởng không khí châu Âu đầy tuyết.

Chỉ cần một lần được đến Tây Côn Lĩnh vào mùa đông, du khách sẽ không thể nào quên được cảnh rừng băng trải dài ngút ngàn trước mắt, băng phủ kín từng cành cây, ngọn cỏ, bám vào từng thân cỗ, cây tre ven đường, tạo nên khung cảnh vô cùng ấn tượng. Băng phủ kín từng nhành cây, ngọn cỏ, bám chặt trên từng thân gỗ, cây tre ven đường tạo nên khung cảnh ấn tượng có một không hai.

Ngoài ra tại khu vực Đồng Văn, Mèo Vạc Hà Giang cũng thường xuyên có những đợt mưa tuyết tuyệt đẹp Ngoài trung tâm thị trấn Đồng Văn, du khách có thể đến nhiều đỉnh núi cao của các xã Lũng Táo, Phó Bảng, Lũng Cú, Tả Lủng, Thài Phìn Tủng… (huyện Đồng Văn), hay Cán Chứ Phìn, Giàng Chứ Phìn, Thương Phùng, Xín Cái… (huyện Mèo Vạc) để ngắm nhìn tuyết rơi và băng giá.

Mẫu Sơn (Lạng Sơn)

Không chỉ riêng Sapa, tại Mẫu Sơn (Lạng Sơn) cũng là “thiên đường” tuyệt vời của những tín đồ du lịch muốn săn cảnh tuyết rơi. Ở độ cao trung bình từ 800 - 1.000, so với mực nước biển, Mẫu Sơn được xem là một trong những khu vực lạnh nhất ở Việt Nam. Mẫu Sơn thuộc địa phận của  2 huyện Cao Lộc và Lộc Bình nên nhiệt độ nơi đây thường xuyên ở mức âm, xuất hiện băng giá và có tuyết rơi nhiều ngày.

Với khung cảnh trắng xóa bao phủ trên các cành cây, con đường, hay cảnh tượng những tảng băng tràn ngập trên những ngôi nhà, Mẫu Sơn từng được những tín đồ “xê dịch” xem như một châu Âu huyền bí tại Việt Nam.

Trong tiết trời se lạnh ngày đông, nếu được ngồi quây quần bên bếp lửa hồng, nhâm nhi rượu Mẫu Sơn, cùng thưởng thức đặc sản gà sáu cựa, ếch hương, lợn quay... quả thật không còn gì bằng.

Do thời tiết lạnh quanh năm đặc biệt là mùa đông khi có tuyết rơi, các khách sạn trên đỉnh Mẫu Sơn còn có dịch vụ tắm lá thuốc người Dao đỏ, để du khách có thể ngâm mình trong bồn nước ấm nóng, hâm nóng lại nhiẹt độ cơ thể sau khi nô đùa với băng tuyết lạnh giá ngoài trời.

Dân trí