Hội thảo phát triển tuyến du lịch tâm linh tại một số tỉnh Đồng bằng sông Hồng
Cập nhật: 02/11/2015
(TITC) – Trong khuôn khổ Chương trình khảo sát du lịch tâm linh tại một số tỉnh Đồng bằng sông Hồng, ngày 30/10/2015, tại khu du lịch sinh thái vườn chim Thung Nham (Ninh Bình), Tổng cục Du lịch tổ chức hội thảo phát triển tuyến du lịch tâm linh Hà Nội – Hưng Yên – Thái Bình – Nam Định – Ninh Bình – Hà Nam.
Phó Tổng cục trưởng Ngô Hoài Chung phát biểu khai mạc

Tham dự buổi hội thảo có ông Ngô Hoài Chung – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch; ông Đinh Chung Phụng – Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình; ông Bạch Ngọc Chiến – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định; ông Nguyễn Quý Phương - Vụ trưởng Vụ Lữ hành Tổng cục Du lịch; ông Bùi Thành Đông - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Ninh Bình cùng đại diện các Sở, ban, ngành 6 tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp du lịch tham dự đoàn famtrip và phóng viên thông tấn báo chí Trung ương và địa phương.

Buổi hội thảo được tổ chức nhằm lấy ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các doanh nghiệp lữ hành về phát triển tuyến du lịch tâm linh Hà Nội – Hưng Yên – Thái Bình – Nam Định – Ninh Bình – Hà Nam, góp phần        tạo ra các sản phẩm du lịch mới hấp dẫn, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch và thu hút thêm nhiều du khách đến với các tỉnh này.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Ngô Hoài Chung nhấn mạnh, trong bối cảnh hội nhập du lịch quốc tế, du lịch Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội thuận lợi và có những thách thức trong việc cạnh tranh điểm đến. Vì vậy, việc đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch là một vấn đề quan trọng. Du lịch tâm linh là một trong những sản phẩm du lịch đang phát triển, nhận được nhiều sự quan tâm của khách du lịch và sự đầu tư của các nhà đầu tư chiến lược. Các tỉnh đồng bằng sông Hồng có nhiều tài nguyên văn hóa để phát triển du lịch tâm linh, hàng năm các điểm du lịch tâm linh của đồng bằng sông Hồng thu hút hàng triệu lượt khách hành hương, tham dự lễ hội. Buổi hội thảo sẽ đánh giá, tổng kết những ý kiến của các doanh nghiệp và nhà báo tham gia chương trình khảo sát để đánh giá đúng tiềm năng du lịch tâm linh, đề xuất ý kiến đẩy mạnh liên kết phát triển du lịch tâm linh tại các tỉnh và kiến nghị tháo gỡ những khó khăn cho các doanh nghiệp.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Đinh Chung Phụng

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Đinh Chung Phụng đánh giá cao ý nghĩa của chương trình khảo sát, buổi hội thảo và khái quát những tiềm năng để phát triển du lịch tâm linh của tỉnh Ninh Bình. Ninh Bình là một mảnh đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, là điểm kết nối các vùng di sản và cố đô, có nhiều lễ hội đặc sắc thu hút đông du khách. 9 tháng đầu năm 2015, Ninh Bình đón được khoảng 5,17 triệu lượt khách, tăng 36,3% so với cùng kỳ năm 2014, doanh thu từ khách du lịch ước đạt 1.188 tỷ đồng, tăng 50,7% so với cùng kỳ năm 2014. Tuy nhiên kết quả đạt được chưa tương xứng với tiềm năng. Vì vậy chương trình khảo sát và buổi hội thảo sẽ là dịp để tỉnh Ninh Bình và các tỉnh giới thiệu tiềm năng du lịch tâm linh với các đại biểu, qua đó thu hút thêm nhiều khách du lịch đến với Ninh Bình nói riêng và các tỉnh đồng bằng sông Hồng nói chung.

Các doanh nghiệp du lịch cùng các phóng viên báo chí, truyền hình đã chia sẻ, đề xuất các ý kiến về tuyến du lịch tâm linh 6 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Hồng. Theo đó, đa số các ý kiến đều đánh giá cao tiềm năng phát triển du lịch tâm linh của các địa phương với nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp, nhiều di tích văn hóa cổ kính, công tác đầu tư bảo tồn khá tốt, tình trạng chèo kéo du khách đã được loại bỏ tại nhiều di tích… Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng sự phát triển về cơ sở hạ tầng, dịch vụ du lịch giữa các tỉnh chưa đồng đều, liên kết chưa thật sự chặt chẽ… Các tỉnh nên đầu tư, nâng cao cơ sở hạ tầng phục vụ nhu cầu đa dạng của khách du lịch, gắn lợi ích của người dân địa phương tại các điểm du lịch, hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch đưa khách về các địa phương.

Phó Tổng cục trưởng Ngô Hoài Chung đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu và đề nghị các địa phương nghiên cứu, ban hành chính sách phù hợp để thu hút thêm các nhà đầu tư về du lịch, quan tâm đầu tư, tôn tạo, tu bổ các di tích lịch sử văn hóa nhằm tạo ra các sản phẩm du lịch đồng bộ, đáp ứng nhu cầu của du khách, củng cố bộ máy quản lý tại các di tích, phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp lữ hành đưa khách về địa phương, đảm bảo môi trường du lịch an toàn cho du khách; các doanh nghiệp lữ hành cần sớm xây dựng các sản phẩm du lịch tâm linh, gắn kết với các địa phương.

Tin, ảnh: Thu Thủy