"Sa Pa” của Quảng Ninh
Cập nhật: 07/10/2015
Lâu nay, nhắc đến du lịch Quảng Ninh, nhiều người chỉ biết đến vùng biển, đảo hấp dẫn với Di sản và Kỳ quan thế giới vịnh Hạ Long và non cao Yên Tử linh thiêng. Nhưng Quảng Ninh còn có Bình Liêu mang không gian đặc trưng của thiên nhiên và văn hóa của vùng cao phía bắc.

Bình Liêu là một huyện vùng cao biên giới đông bắc của tỉnh Quảng Ninh với điệp trùng núi non hùng vĩ và những thửa ruộng bậc thang bên các triền đồi, nối tiếp như các bậc thang của tạo hóa uốn lượn lên trời. Thấp thoáng trong mầu xanh của ruộng lúa, rừng cây, của những vườn hồi, vườn quế, vườn mận, là những mái nhà sàn thâm nâu của các bản làng dân tộc thiểu số Tày, Nùng, Dao, Sán Chay, Hoa... Nơi đây, có điệu khèn trầm bổng cùng sắc mầu thổ cẩm rực rỡ ở các phiên chợ của vùng cao biên giới, là đôi má đỏ ngây ngất hương vị rượu táo mèo của các thiếu nữ dân tộc trong điệu then, sli mượt mà cùng tiếng đàn tính réo rắt, vui tươi trong ngày hội.

Nằm cách thành phố Hạ Long khoảng 100km, Bình Liêu tưởng xa nhưng lại hóa gần bởi hành trình lên huyện vùng cao biên giới này bây giờ rất thuận lợi với đường nhựa mới được đầu tư mở rộng hiện đại, nối thẳng khu kinh tế trọng điểm cửa khẩu biên giới Hoành Mô - Đồng Văn với Hạ Long và các tỉnh, thành phố khác. Bình Liêu có đường biên giới giáp nước bạn Trung Quốc dài 43km, bao gồm một thị trấn huyện lỵ Bình Liêu và bảy xã, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Khí hậu nơi đây khá ôn hòa và phù hợp cho du lịch nghỉ dưỡng, thậm chí được ví như một Sa Pa, một vùng cao Tây Bắc thu nhỏ giữa khu vực đông bắc của Tổ quốc. Bình Liêu còn có núi Cao Xiêm và dãy Cao Ba Lanh bao quát một vùng biên giới gắn với truyền thuyết Bãi đá thần độc đáo trên đỉnh núi cao hơn nghìn mét, có những thanh đá mang thanh âm vang vọng huyền bí cùng hai hồ nước ngọt trong xanh trên núi, tương truyền là chốn dạo mát của các nàng tiên trong những huyền tích cổ xưa. Không những vậy, lẩn khuất bên các triền núi, rừng cây là các thác nước như “cây đàn trời”, ngày đêm tấu lên những thanh bậc âm thanh của thiên nhiên. Đẹp nhất là thác Khe Vằn cao khoảng 100m ở xã Húc Động với dòng nước tung bọt trắng xóa đổ xuống theo ba bậc, tạo thành các hồ nước nằm trong tầng núi đá nguyên khối. Có quy mô nhỏ hơn nhưng thác Khe Tiền ở xã Đồng Văn cũng có sức lôi cuốn không kém bởi vẻ đẹp nguyên sơ của hai tầng thác đổ và những viên đá, sỏi bảy mầu hấp dẫn. Gần đó là thác Sông Moóc êm ái phả làn hơi nước mỏng như làn tóc mềm mại của nàng sơn cước tràn trề buông suối, mang đến cho đồng bào người Dao chung quanh nguồn nước trong lành.

Trong không gian trữ tình, hùng vĩ của núi rừng, sông suối, con người Bình Liêu cũng chân chất, mộc mạc, đằm thắm tình người và sự gắn kết của cộng đồng các dân tộc thiểu số. Những phẩm chất đã được hình thành qua các năm tháng, qua biết bao thăng trầm, biến động cùng lao động, sản xuất và chiến đấu bảo vệ quê hương, bảo vệ biên giới của đồng bào các dân tộc nơi đây. Các dân tộc ở Bình Liêu có nhiều phong tục tập quán và nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian đặc sắc. Nổi bật là lễ hội Đình Lục Nà thể hiện nét tín ngưỡng và bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Tày. Đây cũng là di tích lịch sử, một địa chỉ ghi đậm dấu son cách mạng của Đảng bộ huyện Bình Liêu trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Bên cạnh đó là các lễ hội Au Pò, hát Soóng Cọ của người Tày và người Sán Chỉ, hội hát Sán Cố của người Dao hay nghi lễ Then cổ của người Tày… Vào những ngày hội hát trải đều trong năm, nhất là vào dịp Xuân đầu năm, nhân dân ở các thôn, bản, nam nữ thanh niên có dịp tụ hội, gặp gỡ tâm tình, hát đối, hát giao duyên bằng các làn điệu dân ca của dân tộc mình cùng các trò chơi dân gian truyền thống như chơi tính tẩu, ném còn, đẩy gậy, đánh quay, đánh cừ, kéo co…

Ở Bình Liêu mỗi mùa đều có một vẻ đẹp riêng, mang lại nhiều ấn tượng và sự trải nghiệm thú vị với du khách. Ở đó có mùa mận, hoa sở nở trắng bản, làng, mang vẻ đẹp tinh khôi, thanh khiết; có mùa hoa trẩu rụng, bao phủ như tấm thảm trên núi đồi và những con đường quanh co về bản, là mùa quế ngát hương, mùa dong riềng rộn ràng thu hoạch. Trong sự yên bình của vùng đất biên cương đang từng ngày đổi mới, đến với du lịch vùng cao nơi đây, du khách sẽ có dịp thưởng thức hương vị ấm nồng của canh rau rừng, mùi thơm ngậy của những chõ sôi bẩy màu đẹp mắt, của cá suối nướng, gà đồi hay vị ngon khác biệt của miến dong Bình Liêu bên những ly rượu Cao Ba Lanh nồng nàn được cất từ nguồn nước trên núi cao với men lá, thảo dược.

Cảnh quan thiên nhiên cùng bản sắc văn hóa đã hòa quyện có sức lôi cuốn, giúp Bình Liêu đã và đang trở thành một điểm đến du lịch không thể thiếu trong hành trình du lịch của du khách và không ít hãng lữ hành.

Nhân Dân