Du lịch – Tiềm năng để phát triển kinh tế Tuyên Quang
Cập nhật: 21/09/2015
  Tập trung khai thác thế mạnh về các loại hình du lịch văn hóa, lịch sử gắn với những chủ trương, định hướng hợp lý, những năm gần đây ngành du lịch Tuyên Quang đã có những bước phát triển mạnh mẽ, dần trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân…

Là một trong những “địa chỉ đỏ” về du lịch văn hóa - lịch sử, Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào (Sơn Dương, Tuyên Quang) từ lâu đã trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn của Tuyên Quang. Vì vậy, thời gian qua, nhất là từ sau khi được công nhận Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt (8/2012), các cơ quan chức năng, trực tiếp là Ban Quản lý Khu di tích đã thường xuyên quan tâm tu bổ, tôn tạo cảnh quan, môi trường bảo đảm sạch đẹp, gần gũi với du khách. Đồng thời, đẩy mạnh việc phối hợp tổ chức các hoạt động như triển lãm, trưng bày, sưu tầm hiện vật, tư liệu, tài liệu lịch sử quan trọng. Việc tiếp đón du khách cũng được chú trọng, qua đó để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp với du khách. Được biết, đến nửa đầu tháng 8/2015, Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào đã đón hơn 450 nghìn lượt khách tham quan.

Cùng với các điểm du lịch văn hóa - lịch sử, nhiều tiềm năng du lịch khác ở Tuyên Quang cũng đã và đang được khai thác có hiệu quả như: du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa cộng đồng, du lịch tâm linh, du lịch trải nghiệm và khám phá… Trong đó nổi bật nhất là những hoạt động du lịch văn hóa cộng đồng. Thực hiện phương châm “gắn khai thác với bảo tồn; quan tâm phát triển những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp”, các hình thức du lịch văn hóa cộng đồng, các lễ hội ở Tuyên Quang đã dần được nghiên cứu, phục dựng và tổ chức với quy mô lớn, thu hút đông đảo khách du lịch thập phương. Tiêu biểu như các lễ hội Lồng Tồng, Động Tiên, Chùa Hang, Đền Hạ, Chợ Thụt, Đền Thác Cái… Tại các lễ hội này, du khách sẽ được hòa mình trong không khí náo nhiệt, rộn ràng với những hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng, những hoạt động văn hóa nghệ thuật đậm nét bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Ước tính hàng năm, chỉ riêng các lễ hội mang tính chất du lịch văn hóa, tâm linh trên địa bàn tỉnh đã thu hút lượng khách du lịch lên tới khoảng 300 nghìn lượt người.

Với mục tiêu phát triển ngành du lịch bền vững, song song với việc đa dạng hóa các loại hình du lịch, Tuyên Quang còn đặc biệt quan tâm đến việc phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật du lịch, mở rộng hệ thống cơ sở lưu trú. Theo thống kê, đến nay trên địa bàn toàn tỉnh đã có trên 20 dự án đề nghị được đầu tư vào các khu, điểm du lịch với tổng số vốn lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Hệ thống cơ sở lưu trú phục vụ cho hoạt động du lịch cũng có sự phát triển mạnh theo hướng hiện đại, đồng bộ. Nếu như năm 2010, toàn tỉnh Tuyên Quang mới chỉ có 129 cơ sở lưu trú du lịch với 1.612 phòng và 2.938 giường thì đến đầu năm 2015, con số này đã tăng lên gần 200 cơ sở lưu trú với 2.160 phòng và 3.420 giường. Nguồn nhân lực phục vụ du lịch cũng được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng. Hàng năm, các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã mở nhiều lớp bồi dưỡng nghiệp vụ như hướng dẫn viên du lịch, lễ tân, du lịch cộng đồng, quản lý khách sạn…

Với cách làm đồng bộ, những năm qua ngành du lịch của tỉnh Tuyên Quang đã có những bước tiến vững chắc cả về số lượng khách tham quan cũng như doanh thu từ du lịch. Tổng lượng du khách hàng năm đã tăng từ 530 nghìn lượt người (năm 2010) lên trên 1 triệu lượt người (năm 2014), doanh thu xã hội tăng từ 500 tỷ đồng (2010) lên 920 tỷ đồng (2014). Các hoạt động du lịch cũng đã tạo việc làm cùng thu nhập ổn định cho hơn 10 vạn lao động. Tính riêng trong 6 tháng đầu năm nay, các khu du lịch, điểm du lịch ở Tuyên Quang đã đón trên 908,6 nghìn lượt khách tham quan, tăng 36,5% so với cùng kỳ năm 2014; doanh thu xã hội từ các hoạt động du lịch ước đạt khoảng 828 tỷ đồng, tăng trên 33% so với cùng kỳ. 

Theo ông Nguyễn Vũ Phan, Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Tuyên Quang cho biết: tuy còn nhiều thách thức song thời gian qua ngành du lịch Tuyên Quang đã có những bước phát triển mạnh mẽ, bám sát định hướng của Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XV; du lịch đã góp phần quan trọng trong bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống, tăng nguồn thu ngân sách và nâng cao thu nhập cho người lao động.

Trong thời gian tới, để tiếp tục đẩy mạnh phát triển ngành du lịch, tỉnh Tuyên Quang sẽ tập trung quan tâm làm tốt công tác bảo tồn và phát huy các di tích cách mạng, văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn; đẩy mạnh liên kết các tuyến du lịch; nâng cao hiệu quả quảng bá gắn với phát triển nguồn nhân lực phục vụ hoạt động du lịch… nhằm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của mảnh đất Tuyên Quang giàu truyền thống lịch sử, cách mạng, văn hóa.

sovhttdltuyenquang.vn