Kích cầu du lịch mạnh mẽ tới 6 thị trường được miễn visa
Cập nhật: 10/07/2015
Ngay sau khi ban hành Kế hoạch hành động đối với 6 thị trường trên thế giới được Chính phủ miễn thị thực (5 nước Tây Âu và Belarus), ngày 8/7, Tổng cục Du lịch đã phối hợp với Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức Hội nghị phổ biến các Nghị quyết mới của Chính phủ về Du lịch, đồng thời tung ra Chương trình Kích cầu du lịch đối với 6 quốc gia này.

Nhằm tăng nhanh lượng khách đến Việt Nam từ 5 thị trường Tây Âu và Belarus, đưa 6 nước này thành thị trường hàng đầu của du lịch Việt Nam, Chương trình Kích cầu này sẽ được triển khai đồng bộ, từ phát triển sản phẩm, xúc tiến, chào bán sản phẩm, tổ chức phục vụ khách du lịch với chất lượng dịch vụ đảm bảo và giá cạnh tranh trong khu vực, đảm bảo an ninh, an toàn, vệ sinh môi trường....

Đưa Việt Nam trở thành Điểm đến của khách Tây Âu

Theo ông Vũ Thế Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA), sự kiện Chính phủ đồng ý miễn visa cho 5 thị trường Tây Âu và Belarus là một bước đột phá, là một trong những đòn bẩy góp phần thúc đẩy ngành du lịch Việt Nam trong thời gian tới. Tuy vậy, ông Bình cũng nhận định rằng, trong bối cảnh hiện nay, ngành du lịch cần phải tận dụng cơ hội, hành động nhanh và quyết liệt để khai thác lợi thế quan trọng này. “Sau thời hạn một năm, việc có được Chính phủ cho phép tiếp tục miễn visa đối với những thị trường này nữa hay không phụ thuộc rất lớn và nỗ lực của ngành du lịch. Nếu thành công thấy rõ sau một năm thì tôi tin rằng Chính phủ sẽ cho phép kéo dài thời hạn miễn thị thực. Do vậy, trong thời điểm hiện nay, chúng ta không nên nghĩ về thời hạn một năm, mà phải quyết tâm hành động ngay để tạo ra bước ngoặt cho du lịch Việt Nam”- ông Bình bày tỏ.

Cụ thể, theo chương trình Kích cầu do VITA đề ra, các sản phẩm kích cầu phù hợp với khách Tây Âu phải là sản phẩm mới, độc đáo, gắn với các điểm tham quan mới, dịch vụ mới hoặc nâng cấp những sản phẩm đã có. Ngoài việc phải đảm bảo về chất lượng, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách, sản phẩm này phải khai thác được những giá trị độc đáo của văn hóa truyền thống Việt Nam. Đặc biệt, sản phẩm của Chương trình kích cầu phải giảm từ 20-30% so với sản phẩm thông thường để thu hút khách. Thậm chí, du khách sẽ được tham gia, thưởng thức một số hoạt động văn hóa, văn nghệ truyền thống miễn phí do các địa phương đăng ký tham gia kích cầu tổ chức. Trong một số chương trình du lịch đặc biệt, VITA cũng khuyến khích các doanh nghiệp chịu chi phí làm visa kéo dài cho khách đến từ các quốc gia được miễn visa (15 ngày) nếu đặt các tour dài ngày hơn.

Cần sự vào cuộc mạnh mẽ của doanh nghiệp và địa phương

Tuy nhiên, ông Bình cũng khẳng định rằng, bên cạnh việc đầu tư sản phẩm thì việc quan trọng hơn là phải triển khai chiến dịch nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo an ninh an toàn vệ sinh môi trường du lịch. “Là loại khách có nhu cầu chi trả cao, lại có cơ hội đi nhiều nước, để thu hút được khách từ các nước Tây Âu, việc đảm bảo chất lượng dịch vụ, an toàn và vệ sinh môi trường là rất quan trọng” – ông Bình cho hay. Do vậy, lãnh đạo VITA cho biết, cần tổ chức gấp một số lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho nhân viên các doanh nghiệp du lịch tại các trung tâm du lịch dự kiến đón khách Tây Âu, đồng thời chọn lựa một số cơ sở dịch vụ để triển khai đợt khuyến mãi tại các cơ sở này.

Ngoài ra, các địa phương đăng ký tham gia Kích cầu tập trung xử lý tình trạng chặt chém, cướp giật, lừa đảo khách du lịch. Kiểm tra và xử lý mạnh tay tình trạng mất vệ sinh tại các điểm du lịch. VITA cũng khuyến cáo khách du lịch và các công ty không đưa khách đến cơ sở dịch vụ có vi phạm.

Đặc biệt, trong phương án đề xuất các giải pháp triển khai chương trình kích cầu, ông Bình cho hay, để sản phẩm kích cầu thu hút được khách thì giá tour nhất định phải giảm. Tuy nhiên trong bối cảnh hầu hết các dịch vụ đều tăng giá, trong đó giá vé thăm quan tại các danh lam thắng cảnh đều tăng hàng loạt như thời gian qua thì doanh nghiệp khó có thể giảm giá tour hơn nữa nếu như không có sự hỗ trợ của Nhà nước. 

Do vậy, Hiệp hội đề nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ đặc biệt dành riêng cho các doanh nghiệp tham gia kích cầu. Trong đó đề nghị miễn thuế VAT 1 năm (từ tháng 7/2015 – tháng 6/2016) và cho lùi thời gian nộp thuế thu nhập doanh nghiệp một năm đối với riêng những doanh nghiệp tham gia chương trình này. Đồng thời đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ sớm giải quyết việc cho phép khách từ các nước được miễn thị thực ra khỏi Việt Nam được nhập cảnh trở lại theo chế độ miễn thị thực, không cần chờ 30 ngày. Đề nghị cơ quan xuất nhập cảnh sớm triển khai thủ tục cấp visa ở cửa khẩu cho khách du lịch của tất cả các nước, tổ chức cấp visa online và khôi phục lại loại hình du lịch quá cảnh, thời  gian từ 72h-120h để tạo điều kiện nhập cảnh dễ dàng cho những người có nhu cầu đến Việt Nam.

Ông Vũ Thế Bình cũng khẳng định, trong chương trình kích cầu du lịch này ngoài vai trò chủ đạo từ các doanh nghiệp thì rất cần sự vào cuộc của truyền thông. Cần phải triển khai một chương trình truyền thông mạnh mẽ nhiều chiều, phản ánh trung thực, khách quan các hoạt động du lịch để góp phần làm chuyển biến nhận thức xã hội về du lịch, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội.

Ông Nguyễn Văn Tuấn -  Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cũng cho biết, để chương trình kích cầu và Kế hoạch hành động đối với 5 thị trường Tây Âu và Belarus thực sự hiệu quả thì cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của các doanh nghiệp và địa phương. Ngay trong ngày 8/7, Tổng cục Du lịch và Tổng công ty Hàng không Việt Nam đã ký kết biên bản hợp tác đối với Chương trình Kích cầu này. Theo VITA, hiện nay ba thành phố du lịch lớn như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng đã đăng ký tham gia chủ trì một số sự kiện xúc tiến tại các thị trường Tây Âu hoặc đón đoàn FAM từ các thị trường này, đồng thời cam kết huy động doanh nghiệp tham gia kích cầu và các chương trình xúc tiến. Tổng cục Du lịch và VITA kêu gọi các địa phương tích cực chủ động tham gia xúc tiến và Chương trình Kích cầu để tạo nên một chiến dịch mạnh mẽ và hiệu quả đối với 6 thị trường được miễn visa nói trên.

Theo ông Vũ Thế Bình, là chương trình hành động của toàn ngành, Chương trình Kích cầu sẽ hướng tới những mục tiêu cụ thể như: Cuối năm 2015, chặn đà suy giảm của khách du lịch Tây Âu đến Việt Nam. Tạo sự tăng trưởng của thị trường này từ đầu năm 2016 và đạt độ tăng trưởng 10% trong 6 tháng đầu năm và 20% những tháng cuối năm 2016. Đặc biệt, phấn đấu trong 3 năm 2016-2018, lượng khách từ các nước Tây Âu đến Việt Nam đạt 1,1 triệu lượt, tăng 50% so với năm 2015.

Báo Tổ quốc