Làm mới sản phẩm du lịch Quảng Nam
Cập nhật: 17/06/2015
Dù đã khẳng định được thương hiệu nhưng du lịch Quảng Nam vẫn luôn đối diện với sự cạnh tranh khốc liệt từ các điểm đến khác trong khu vực. Làm mới sản phẩm du lịch không chỉ mang đến sự khác biệt mà còn giúp khách quay lại nhiều lần.
 
Sản phẩm múa Chăm Mỹ Sơn luôn được thay đổi làm mới

Nhu cầu thay đổi

Vài năm gần đây, tình trạng khách Việt đến Hội An tham quan xong trở về nghỉ lại Đà Nẵng đã không còn chuyện lạ. Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp lữ hành tâm sự dù muốn qua đêm tại Hội An nhưng đa số khách đã không đồng ý. Phải chăng sức hút của phố cổ đã không còn hấp dẫn, nhất là với một bộ phận khách Việt, những người được xem là thích mới mẻ và ưa sôi động. Thực tế, thời gian qua thành phố Hội An đã có nhiều nỗ lực trong việc phát triển điểm đến mới bên ngoài di sản như các làng nghề truyền thống, không gian làng quê, sông nước tại các xã Cẩm Thanh, Cẩm Châu, Thanh Hà… Đặc biệt, tháng 5 vừa qua, Hội An  có thêm một sản phẩm du lịch mới là “Đêm Cù Lao” với các hoạt động trình diễn văn hóa, làng nghề đặc sắc nhằm mang đến cho khách những trải nghiệm đa dạng khi đến với thành phố này.

Bà Đinh Thị Thu Thủy - Trưởng phòng Thương mại và du lịch Hội An cho rằng, dù du lịch Hội An vẫn có sự tăng trưởng tốt nhưng không phải vì vậy mà thành phố thỏa mãn những kết quả đạt được. Việc đầu tư xây dựng sản phẩm và đổi mới, nâng cao chất lượng điểm đến, nhất là các sản phẩm mang tính cộng đồng, trải nghiệm văn hóa, sinh thái luôn là hướng đi ưu tiên trong chiến lược phát triển du lịch của thành phố. “Những điểm đến ngoại vi có lợi thế du lịch như làng nghề, Cù Lao Chàm, làng rau An Mỹ hay các sản phẩm du lịch dịch vụ sông nước, đi thuyền ăn uống, nhà hàng nổi, xây dựng các điểm giải trí về đêm… sẽ được chúng tôi xúc tiến kêu gọi đầu tư nhằm tạo nên sự đa dạng cho khách” - bà Thủy nói.

Đến nay, việc nâng cấp dịch vụ, làm mới sản phẩm du lịch không chỉ được triển khai ở Hội An mà đã trở thành yêu cầu cấp thiết của nhiều điểm đến trong tỉnh. Mới đây, Ban Quản lý di tích và du lịch Mỹ Sơn cũng đã đưa vào thử nghiệm các tiết mục múa Chăm dân gian mới do đích thân các nghệ sĩ đến từ Ninh Thuận biên soạn dàn dựng như là một bước đi tiếp theo trong chiến lược nâng cao chất lượng điểm đến, nhằm mang đến du khách sự cảm nhận tinh tế về những giá trị đặc trưng của một nền văn hóa. Tuy mới chỉ là bước đầu nhưng qua khảo sát thăm dò ý kiến du khách hầu hết đều thích thú với những tiết mục nghệ thuật mới này.

Đổi mới trên nền tảng văn hóa bản địa

Có thể khẳng định, việc đổi mới sản phẩm du lịch luôn đóng vai trò quan trọng đối với một điểm đến vì du lịch phải có sự mới lạ. Từ năm 2013 Quảng Nam đã đưa vào khai thác nhiểu điểm du lịch mới như làng Đhrôồng (Đông Giang), Vinahouse, Bảo tàng Điện Bàn, khu du lịch Phú Ninh, trải nghiệm lưu trú homestay ở Mỹ Sơn; “Tái hiện 1,3km đường mòn Hồ Chí Minh” (Nam Giang) và gần đây là Đêm Cù Lao, tham quan hang yến, Khu Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng. Ngoài ra, một số điểm đến mới cũng đang cần được quảng bá giới thiệu đến khách như bãi tắm Hạ Thanh (Tam Kỳ), làng cổ Lộc Yên (Tiên Phước)… Theo ông Đinh Hài - Giám đốc Sở VHTTDL Quảng Nam, việc đổi mới sản phẩm du lịch sẽ góp phần làm đậm hơn nét văn hóa xứ Quảng cũng như văn hóa bản địa từng nơi, nhất là các giá trị văn hóa phi vật thể. “Du lịch phải luôn có sự thay đổi do vậy làm mới sản phẩm không chỉ tập trung vào dịch vụ điểm đến mà còn là cải tiến, làm mới cả những giá trị văn hóa phi vật thể, bao gồm các tác phẩm nghệ thuật có xuất xứ từ dân gian để tăng dần sự khác biệt, khi đó mới có thể duy trì được hiệu quả và khả năng đón khách” - ông Hài phân tích.

Tuy nhiên, theo ông Lê Hồ Phước Vĩnh - Giám đốc Công ty lữ hành quốc tế Lê Nguyễn, việc làm mới sản phẩm dù cần thiết nhưng không phải tất cả đều mang lại kết quả tốt nếu như nhà quản lý, doanh nghiệp không cộng đồng trách nhiệm để cùng hướng về mục đích chung. Thực tế, thời gian qua ngoài các điểm mới được ngành du lịch và chính quyền địa phương thúc đẩy rất ít sản phẩm tour mới được doanh nghiệp đứng ra xây dựng, hầu hết đều tham khảo lẫn nhau trong kinh doanh và khai thác theo lối mòn dẫn đến sự trùng lặp dịch vụ. Chưa nói một vài sản phẩm mới để tạo thành thương hiệu với khách cũng cần rất nhiều thời gian. Đơn cử như làng du lịch cộng đồng Đhrôồng dù công ty đã ký hợp đồng đưa khách đến nhưng hiện tại cũng rất ít khách mua tour. “Làm mới sản phẩm không chỉ tập trung vào điểm đến mà còn là các dịch vụ tại chỗ mà điều này thì không phải doanh nghiệp nào cũng tiên phong, chưa nói là để sản phẩm đó sống được phải cần một thời gian rất dài, thậm chí hàng chục năm” - ông Vĩnh chia sẻ.    

Mỗi sản phẩm luôn có tuổi thọ nhất định, vì vậy làm mới sản phẩm là điều bắt buộc tại các điểm đến. Đặc biệt, sẽ càng ấn tượng hơn khi sản phẩm đó được làm mới trên nền tảng văn hóa bản địa cùng những giá trị truyền thống vốn có, đó mới chính là phát triển bền vững. Nói như ông Đinh Hài - Giám đốc Sở VHTTDL: “Trong hàng triệu lượt khách đến Quảng Nam mỗi năm không phải ai cũng thích một sản phẩm dù nó có hấp dẫn đến mấy, cho nên cần phải luôn làm mới để có nhiều dịch vụ phong phú, đa dạng hơn cho khách lựa chọn”.

Báo Quảng Nam