Du lịch nhà vườn Đà Lạt: “Cải tiến” để hút khách
Cập nhật: 25/05/2015
Đón tiếp hàng chục ngàn khách đến tham quan mỗi năm, mô hình du lịch nhà vườn Đà Lạt đã và đang trở thành điểm nhấn thú vị để thu hút khách.

Nhắc tới du lịch nhà vườn Đà Lạt (Lâm Đồng), du khách đến từ nhiều địa phương như TP.HCM, các tỉnh phía Bắc, miền Trung… không giấu nổi cảm giác hào hứng, thích thú khi tận mắt quan sát những vườn cà chua, dâu tây, ruộng gieo trồng cải, ớt chuông hay các loại hoa ôn đới xanh tốt nối dài trong các khu nhà kính hiện đại. Theo thống kê của các công ty lữ hành TP.HCM, mỗi tuần có hàng ngàn khách tìm đến các nhà vườn nơi này. Anh Trần Minh Hiếu-hướng dẫn viên (HDV) có nhiều năm dẫn đoàn tham quan “thành phố ngàn hoa” cho biết những năm gần đây, số lượng khách yêu cầu đi tour kết hợp nhà vườn đặc biệt tăng cao, bởi nét độc đáo khiến mọi người ưa chuộng loại hình này không chỉ dừng lại ở cảm giác muốn tận tay chăm sóc, thu hoạch, hay nghe thuyết minh về quá trình sinh trưởng của các sản phẩm nông sản sạch mà quan trọng là được HDV cùng chủ vườn chỉ dẫn tận tình cách để phân biệt nông sản nổi tiếng của Đà Lạt với những sản phẩm giả danh kém chất lượng đang bày bán nhan nhản trên thị trường, từ đây có thêm kinh nghiệm lựa chọn thực phẩm xanh chính hiệu, đảm bảo sức khỏe bữa ăn của gia đình. Đối với các hộ dân mở cửa vườn đón khách cũng được hưởng nhiều cái lợi như ngoài phí tham quan vườn còn bán được nhiều nông sản hơn cho khách, lại còn trực tiếp quảng bá các đặc sản địa phương đến cộng đồng…

Dù hấp dẫn và mang nhiều tiềm năng nhưng không ít công ty du lịch lại bày tỏ sự tiếc nuối bởi thực tế số nhà vườn tại Đà Lạt tuy nhiều nhưng để nối tour thì “lại hiếm”, quanh đi quẩn lại chỉ một vài nhà dưới chân núi Tuyền Lâm hay trang trại Langbiang Farm, nhà vườn Organik… do những nơi này có diện tích lớn lại áp dụng phương pháp kĩ thuật canh tác tiên tiến theo tiêu chuẩn châu Âu, còn lại đa phần các hộ dân đều sản xuất theo phương pháp truyền thống, quy mô nhỏ lẻ theo kiểu mạnh ai nấy trồng, chưa đảm bảo vệ sinh lẫn vẻ mỹ quan, chủ yếu mở cửa cho khách vào để “bán nông sản” với giá cao chứ chưa chú trọng đến công tác giới thiệu, thuyết minh… nên rất khó để đưa khách đoàn cao cấp (đặc biệt là khách quốc tế) đến được. Bà Việt Hương, quyền Giám đốc tiếp thị Vietravel cho biết, để liên kết xây dựng được tour tham quan nhà vườn nổi bật, phía công ty đã phải hỗ trợ cho một số chủ vườn lát gạch lối đi giữa các luống nông sản, tránh trơn trượt vào mùa mưa, cũng như yêu cầu nhiều nơi phải cam kết và tuân thủ nghiêm nhiều khâu chăm sóc như: không được bón phân tươi trực tiếp lên rau, hoa; đối với dâu tây thì phải bắt buộc trồng trên kệ cao chứ không được sát mặt đất… tạo cảm giác an tâm, niềm tin cho khách về an toàn vệ sinh nông sản lẫn vẻ mỹ quan khi đến thăm vườn. Hiện điều cần thiết chính là các hộ dân cần sớm thay đổi tư duy canh tác, cộng với quy hoạch cụ thể từ phía địa phương mới có thể tạo nên những cụm du lịch nhà vườn chuyên nghiệp với quy mô lớn, thuận lợi cho các công ty du lịch quảng bá hình ảnh, thu hút đông đối tượng khách quốc tế…

Chia sẻ về định hướng phát triển mô hình du lịch nhà vườn Đà Lạt, bà Nguyễn Thị Nguyên, Giám đốc Sở VHTTDL Lâm Đồng cho biết ngành du lịch tỉnh đã và đang phối hợp với các ban, ngành liên quan tiến hành thống kê các điểm nhà vườn trên địa bàn để quy hoạch từng khu vực cụ thể, làm cầu nối vận động người dân tham gia cải tiến phương thức sản xuất theo hướng chuyên nghiệp hóa, từng bước đáp ứng tốt nhu cầu các công ty lữ hành, để họ an tâm đưa khách tới. Qua đó tin tưởng với số lượng trang trại, nông trại, nhà vườn đang tăng về quy mô lẫn chất lượng nhiều loài cây trồng vượt trội như hiện nay…, trong thời gian không xa chắc chắn các công ty lữ hành cùng nhà vườn địa phương sẽ cải tiến, cho ra những mô hình du lịch kết hợp tham quan sản phẩm nông nghiệp độc đáo, góp phần làm đa dạng các tour, tuyến du lịch và đem lại hiệu quả kinh tế cho địa phương và cả nước nói chung.

Báo Văn hóa