Khách du lịch quốc tế đến đồng bằng sông Cửu Long tăng hơn 14%
Cập nhật: 19/05/2015
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có tiềm năng phát triển du lịch phong phú đa dạng với các loại hình du lịch đặc trưng như du lịch sinh thái miệt vườn, sông nước, biển đảo, văn hóa bản địa và tâm linh... ĐBSCL nằm trong khu vực có đường giao thông hàng hải và hàng không quốc tế quan trọng, giữa Nam Á và Đông Á cũng như Châu Úc và các quần đảo khác trong khu vực Thái Bình Dương. Vị trí này hết sức quan trọng trong giao thương quốc tế và phát triển du lịch. Đường hàng không với hệ thống 4 sân bay, trong đó có 2 cảng hàng không quốc tế là Cần Thơ và Phú Quốc (Kiên Giang) đã tạo điều kiện cho du khách đến trực tiếp với vùng đất du lịch này. 
 

Về cơ sở vật chất kỹ thuật, những năm gần đây các địa phương ĐBSCL đã quan tâm đầu tư cho du lịch khá tốt, các khách sạn cao cấp từ 3 đến 5 sao đã được xây dựng đưa vào khai thác ở một số địa phương và các điểm du lịch lớn trong vùng. Bên cạnh đó, sự cần cù chất phác, lòng mến khách của người dân miền sông nước Nam bộ tạo nên một nét văn hóa rất riêng để du khách gần xa đến với vùng đất này.

Kết quả Quý I, năm 2015, ĐBSCL đã đón 7.357.177 lượt khách đến tham quan du lịch, tăng 20,9% so với cùng kỳ. Trong đó, có 540.175 lượt khách quốc tế, tăng 14,4% so với cùng kỳ. Đạt doanh thu 2.012 tỷ đồng, tăng 31,9% so với cùng kỳ năm 2014.

Trong số các địa phương trong vùng, các tỉnh Đồng Tháp, Bạc Liêu, Sóc Trăng và Hậu Giang là các địa phương có tỷ lệ tăng trưởng về lượt khách rất ấn tượng. Địa phương thu hút khách đến tham quan du lịch nhiều nhất là An Giang với hơn 2,6 triệu lượt khách chủ yếu là khách tham quan lễ hội. Địa phương thu hút khách quốc tế nhiều nhất là Tiền Giang với 168.666 lượt và địa phương có doanh thu du lịch cao nhất là Kiên Giang với 624 tỷ đồng.

Theo Tổng cục Du lịch lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong năm 2014 tăng rất ít chỉ 4%; trong 4 tháng đầu năm 2015 lượng khách du lịch quốc tế đến nước ta giảm 12,2% so với cùng kỳ năm 2014. Do đó, để giữ được mức tăng trưởng từ nay đến cuối năm, các địa phương ĐBSCL cần tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá trong đó tập trung chủ yếu quảng bá trên các website điện tử, các tạp chí chuyên ngành và các phương tiện thông tin đại chúng khác; tổ chức các chương trình roadshow tại các thị trường trọng điểm và tiềm năng để thu hút khách... Nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, dịch vụ của từng địa phương; đầu tư nâng cấp, củng cố lại hoạt động của các khu, điểm du lịch để phục vụ du khách ngày càng tốt hơn. Bên cạnh đó, tiếp tục nâng cao hiệu quả Chương trình hợp tác phát triển du lịch các tỉnh, thành vùng kinh tế trọng điểm khu vực ĐBSCL do Cần Thơ làm Cụm trưởng; chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch Cụm phía Đông giữa các địa phương Tiền Giang – Bến Tre – Vĩnh Long – Trà Vinh; tiếp tục triển khai Chương trình kích cầu du lịch năm 2015 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát động; phối hợp tổ chức tốt các hoạt động của Tuần lễ Du lịch xanh ĐBSCL tại TP. Cần Thơ, phối hợp tổ chức sự kiện Đại hội biển Đông Á lần thứ 5 do Việt Nam đăng cai tại Phú Quốc (Kiên Giang)...

Trần Văn Linh