Họp báo giới thiệu “Chiến lược văn hóa đối ngoại của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030”
Cập nhật: 20/03/2015
(TITC) - Ngày 18/3/2015, tại trụ sở Bộ VHTTDL, Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn đã chủ trì buổi họp báo giới thiệu “Chiến lược văn hóa đối ngoại của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030” và Nghị định số 21/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ quy định về nhuận bút, thù lao đối với tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác.
 

Ngày 08/2/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 210/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược văn hóa đối ngoại của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030, xác định văn hóa đối ngoại được thực hiện bởi mọi tầng lớp xã hội, trong đó Nhà nước đóng vai trò chỉ đạo, định hướng, hỗ trợ về cơ chế, chính sách và xây dựng thông điệp hình ảnh quốc gia nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, biến văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh quan trọng, tăng cường sức mạnh tổng hợp quốc gia, nâng cao vị thế, uy tín trên trường quốc tế, đảm bảo sự phát triển bền vững của đất nước.

Chiến lược xác định 3 mục tiêu cụ thể gồm: Quảng bá các giá trị văn hóa của dân tộc ra thế giới, làm cho thế giới hiểu biết hơn về đất nước, con người, văn hóa Việt Nam, tạo dựng lòng tin và sự yêu mến đối với Việt Nam, góp phần thúc đẩy việc triển khai quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực khác; Tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại, làm phong phú và sâu sắc thêm những giá trị văn hóa truyền thống, góp phần xây dựng nền văn hóa con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân-thiện-mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học; Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa theo hướng chuyên nghiệp và đồng bộ, khuyến khích xuất khẩu sản phẩm văn hóa ra các thị trường nước ngoài, góp phần đưa thương hiệu văn hóa Việt Nam ra thế giới, quảng bá văn hóa quốc gia.

Phát biểu tại buổi họp báo, Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn nhấn mạnh, Chiến lược văn hóa đối ngoại của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 là bước chuyển biến mạnh mẽ từ hợp tác văn hóa sang chủ động hội nhập văn hóa. Trong Chiến lược, Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho phép thành lập các Trung tâm văn hóa Việt Nam ở một số địa bàn trọng điểm trên thế giới và cho phép thiết lập đội ngũ Tham tán văn hóa, Tùy viên Văn hóa tại các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài…

Về Nghị định số 21/2015/NĐ-CP được ban hành ngày 14/2/2015 là Nghị định mới nhằm thay thế cho Nghị định số 61/2002/NĐ-CP ngày 11/6/2002, gồm 5 chương, 14 điều quy định về nhuận bút, thù lao đối với tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ.

Trước đó, ngày 14/3/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 18/2014/NĐ-CP về chế độ nhuận bút trong lĩnh vực xuất bản, báo chí thay thế các chương II, V và VI của Nghị định 61/2002/NĐ-CP.

Nét mới của Nghị định số 21/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 là đã sửa đổi, bổ sung các quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, đối tượng hưởng, mức nhuận bút, thù lao cho phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự, Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2009 và phù hợp với thực tiễn. Nghị định bổ sung một số chức danh sáng tạo, thay đổi tên gọi của một số chức danh sáng tạo cho phù hợp với thực tế; chỉnh sửa, bổ sung và cụ thể hóa một số thể loại, quy mô tác phẩm và khung nhuận bút, thù lao đặc biệt trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn nhằm tạo sự linh hoạt để bên sử dụng tác phẩm và bên sáng tạo có thể thỏa thuận căn cứ vào chất lượng tác phẩm, nguồn kinh phí được phép sử dụng để chi trả nhuận bút, thù lao và nhằm khuyến khích hơn nữa hoạt động sáng tạo.

Nghị định số 21/2015/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/4/2015.

Hương Lê