Quảng Trị chú trọng đầu tư phát triển du lịch
Cập nhật: 27/01/2015
Với những tiềm năng và lợi thế to lớn của mình, Quảng Trị đã trở thành cầu nối quan trọng cho nhiều chương trình du lịch nổi tiếng như “Con đường di sản miền Trung”, “Con đường huyền thoại”...
 

Đầu tư vào du lịch

Mặc dù lĩnh vực du lịch ở Quảng Trị chưa thu hút được dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), song thời gian qua, hoạt động du lịch phát triển hết sức sôi động và phong phú, hệ thống cơ sở vật chất, cơ sở kinh doanh du lịch phát triển nhanh, với sự tham gia đầu tư của nhiều thành phần kinh tế trong nước. Đã có khá nhiều dự án đầu tư vào lĩnh vực này. Đặc biệt, số lượng doanh nghiệp, nhà đầu tư vào Khu kinh tế - thương mại đặc biệt Lao Bảo, TP. Đông Hà, Khu dịch vụ du lịch Cửa Tùng, Khu dịch vụ du lịch Cửa Việt... tăng mạnh.

Các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh du lịch đã đầu tư, nâng cấp, mở rộng nhiều cơ sở kinh doanh có quy mô và chất lượng khá. Trong đó, đáng chú ý là các dự án xây mới như Khách sạn Sài Gòn - Đông Hà (tiêu chuẩn 4 sao, đi vào hoạt động năm 2012), Khách sạn Mường Thanh - Đông Hà (tiêu chuẩn 4 sao, đi vào hoạt động năm 2014); dự án nâng cấp, như các khách sạn Đông Trường Sơn, Mekong, Hữu Nghị, Thành Quả, Phụng Hoàng, Thái Ninh, Sepon, Đào Hùng, Bảo Cường...

Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 62 doanh nghiệp, hàng trăm hộ kinh doanh và cơ sở kinh doanh du lịch, với 156 khách sạn, nhà nghỉ du lịch, trong đó có 2 khách sạn 4 sao, 5 khách sạn 3 sao, 60 khách sạn 1 - 2 sao, với hơn 2.423 buồng, 4.382 giường.

Tại các khu du lịch Cửa Việt, Cửa Tùng, có 20 dự án đầu tư với tổng diện tích đất 180ha, tổng vốn đầu tư đăng ký là 3.500 tỷ đồng. Một số dự án đang triển khai xây dựng như Khu du lịch sinh thái biển Cửa Việt của Công ty TNHH Xây dựng Hoàng Hà, Khu du lịch Cửa Tùng Resort của Công ty cổ phần Dịch vụ Du lịch và Thương mại Cửa Tùng, Khu nghỉ mát Phú Hoa của Công ty cổ phần Phú Hoa... Một số dự án lớn đã được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 và đang lập dự án đầu tư, như Khu khách sạn nghỉ dưỡng của Ngân hàng Công thương Việt Nam, Khu dịch vụ du lịch Resort Cửa Việt của Công ty TNHH Phong Châu, Resort Laguna của Công ty cổ phần Thương mại và Đầu tư Sao Bắc…

Chính sách thu hút đầu tư du lịch

Tỉnh Quảng Trị cũng đã ban hành chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đối với các dự án đầu tư vào địa phương, trong đó có lĩnh vực du lịch. Theo đó, ưu đãi về giá thuê đất, hỗ trợ về đào tạo nghề, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu ngoài hàng rào, hỗ trợ về giải phóng mặt bằng, hỗ trợ về lập và triển khai thực hiện dự án, hỗ trợ về cung cấp thông tin. Đồng thời, tỉnh thực hiện cải cách hành chính để giải quyết nhanh việc cấp giấy chứng nhận đầu tư, giao đất, cho thuê đất… Các chính sách này ngày càng được hoàn thiện để phù hợp với quy định của Nhà nước và thực tiễn của địa phương trên tinh thần ngày càng thông thoáng, thuận tiện đối với các nhà đầu tư.

UBND tỉnh Quảng Trị cũng đã quy định trách nhiệm cụ thể cho các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương triển khai thực hiện quy định trên, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư.

Tiềm năng, thế mạnh của ngành du lịch Quảng Trị

Quảng Trị nằm giữa miền Trung, là giao lộ của tuyến xuyên Việt và Hành lang Kinh tế Đông - Tây qua Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo, Cửa khẩu Quốc tế La Lay, là nơi giao lưu văn hóa, giao thương của các luồng hàng hóa - dịch vụ Bắc - Nam và Đông - Tây.

Quảng Trị có 55% diện tích núi rừng và 75km bờ biển, với nhiều bãi tắm đẹp như Cửa Tùng, Cửa Việt, Mỹ Thủy, Triệu Lăng, Vĩnh Kim, Vĩnh Thái... Đặc biệt, Cửa Tùng được mệnh danh là “nữ hoàng của các bãi tắm”, là “hòn ngọc của biển Thừa Lương” và bãi tắm Cửa Việt đang hình thành khu du lịch - dịch vụ có quy mô và chất lượng cao phục vụ du khách. Cách bờ biển Cửa Tùng 28km là Đảo Cồn Cỏ anh hùng nay đang xây dựng thành đảo du lịch. Các bãi tắm nổi tiếng cùng với đảo du lịch Cồn Cỏ sẽ là địa chỉ nghỉ dưỡng cuối tuần lý tưởng, nơi tổ chức các hoạt động thể thao biển, tắm biển để thu hút du khách gần xa.

Rừng Quảng Trị rất đẹp và có nhiều động thực vật quý hiếm. Các địa danh như Rú Lịnh, Trằm Trà Lộc, Khu danh thắng Đắk Rông, Rào Quán, Khe Sanh... đang hình thành các khu du lịch sinh thái hấp dẫn.

Quảng Trị có 516 di tích, trong đó có 378 di tích lịch sử cách mạng. Hệ thống di tích lịch sử chiến tranh có giá trị lớn đối với du lịch hồi tưởng, hoài niệm thu hút các chính khách, nhà nghiên cứu lịch sử và du khách gần xa. Đặc biệt, Cụm di tích Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, thành cổ Quảng Trị, đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại, Địa đạo vịnh Mốc được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt, cùng với các di tích nổi tiếng khác như Đường 9 - Khe Sanh, Sân bay Tà Cơn, Hàng rào điện tử Mc.Namara, Nhà đày Lao Bảo, đảo Cồn Cỏ... Chính điều đó đã tạo nên tính đặc thù, độc đáo và hấp dẫn của hệ thống di tích chiến tranh.

Quảng Trị được ví như một bảo tàng sống, sinh động nhất về di tích chiến tranh cách mạng. Hệ thống di tích độc đáo và quý báu đó là cơ sở để hình thành chương trình du lịch hoài niệm, hồi tưởng nổi tiếng của Quảng Trị. Cũng chính từ lợi thế, tiềm năng này, Quảng Trị trở thành cầu nối quan trọng cho các chương trình du lịch nổi tiếng như “Con đường di sản miền Trung”, “Con đường huyền thoại” và các chương trình du lịch tiêu biểu khác.

Quảng Trị còn có nhiều di tích văn hóa tâm linh đặc sắc và các lễ hội dân gian, lễ hội cách mạng tiêu biểu. Trong đó, chùa Sắc Tứ - một trong những ngôi chùa cổ nhất miền Trung và nhà thờ La Vang mang trong mình những huyền tích tôn giáo, thu hút đông đảo tín đồ và du khách bốn phương về hành lễ.

Các lễ hội đâm trâu, ngày mùa, cồng chiêng, Arieu-ping... của đồng bào các dân tộc Pacô, Vân Kiều; lễ hội cướp cù, đua thuyền, Bài chòi... của đồng bào miền xuôi, cùng các lễ hội cách mạng với màu sắc, âm hưởng mới hết sức đặc sắc như Lễ hội Thống nhất non sông, Tri ân tháng Bảy và Lễ hội Nhịp cầu Xuyên Á... đã làm lay động hàng triệu con tim.

Hành lang Kinh tế Đông - Tây ra đời có vai trò quan trọng trong chiến lược liên kết các địa phương của 4 quốc gia hưởng lợi trực tiếp của tiểu vùng sông Mê Kông. Chính phủ các nước này chú trọng các hoạt động giao lưu kinh tế, văn hóa, coi phát triển thương mại, du lịch vừa là động lực, vừa là mục tiêu trong chiến lược phát triển. Cùng với việc hoàn thiện Hành lang Kinh tế Đông - Tây, du lịch trên tuyến huyết mạch này đã trở thành thương hiệu du lịch mới hấp dẫn của các nước ASEAN, có lợi thế để phát triển thương mại, du lịch, dịch vụ, hợp tác kinh tế và giao lưu văn hóa.

Những tiềm năng du lịch thiên nhiên và nhân văn nói trên, cùng với lợi thế về vị trí địa lý là những điều kiện thuận lợi cho phép Quảng Trị đẩy mạnh phát triển 3 chương trình du lịch hấp dẫn và đó cũng chính là 3 thương hiệu du lịch của mình. Đó là: Chương trình du lịch “Hoài niệm về chiến trường xưa và đồng đội”; “Du lịch đường bộ qua tuyến Hành lang Kinh tế Đông - Tây kết hợp sinh thái biển - đảo”; “Du lịch văn hóa tâm linh và lễ hội”.

Đóng góp của du lịch đối với phát triển kinh tế địa phương

Năm 2014, Quảng Trị thu hút 1,6 triệu lượt khách du lịch, tăng 20% so với năm 2013. Trong đó, khách quốc tế là 195.000 lượt, tăng 3,2%; khách nội địa đạt 1,41 triệu lượt, tăng 23% so với năm 2013.

Tổng doanh thu du lịch năm 2014 đạt 1.270 tỷ đồng, tăng 6% so với năm 2013. Trong đó, doanh thu lưu trú và lữ hành của các doanh nghiệp du lịch chuyên ngành là 312 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2013.

Trong năm nay, cả nước tổ chức các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ trọng đại của đất nước, như 40 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, 70 năm Quốc khánh Nước CHXHCN Việt Nam, 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh…, tỉnh Quảng Trị sẽ tổ chức Lễ hội Thống nhất Non sông; Hội thảo quốc tế về hợp tác du lịch, thương mại và đầu tư Hành lang Kinh tế Đông - Tây; Hội nghị tổng kết 10 năm triển khai Chương trình du lịch “Hoài niệm về chiến trường xưa và đồng đội”, cùng nhiều hoạt động khác.

Hợp tác du lịch với các địa phương trên Hành lang Kinh tế Đông - Tây, từ tháng 1/2015, Quảng Trị triển khai cơ chế “một cửa, một lần dừng” tại cặp cửa khẩu Lao Bảo - Đen-sa-vẳn.

Với đặc điểm, tình hình như trên, hy vọng trong năm nay, du lịch Quảng Trị sẽ có bước phát triển mới cao hơn. Dự kiến, Quảng Trị sẽ đón 1.650.000 lượt khách, trong đó khách quốc tế là 197.000 lượt, khách nội địa là 1.453.000 lượt. Tổng doanh thu kinh doanh du lịch xã hội 1.300 tỷ đồng, trong đó doanh thu của các doanh nghiệp du lịch là 320 tỷ đồng.

Báo đầu tư