Khám phá 7 điểm du lịch mới, tiêu biểu Đồng bằng sông Cửu Long
Cập nhật: 14/11/2014
(TITC) - Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là khu vực có tài nguyên thiên nhiên phong phú cùng giá trị lịch sử và tinh hoa văn hóa đặc sắc của cộng đồng 4 dân tộc anh em (Kinh, Hoa, Khmer, Chăm). Vừa qua, Hiệp hội Du lịch ĐBSCL vừa công nhận thêm 7 điểm du lịch mới, tiêu biểu của ĐBSCL năm 2014 nhằm tăng cường giới thiệu, quảng bá sâu rộng tiềm năng du lịch của khu vực này đến du khách trong và ngoài nước.

TP. Cần Thơ tạo điểm nhấn với 2 điểm du lịch mới, tiêu biểu gồm: chợ nổi Cái Răng và Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam. Chợ nổi Cái Răng (quận Cái Răng) là một trong những chợ trên sông nổi tiếng ở miền Tây Nam bộ, chuyên mua bán các loại trái cây, nông sản của vùng. Từ mờ sáng đến khoảng 8, 9h sáng hàng ngày, hàng trăm chiếc thuyền lớn bé buôn bán tấp nập, ngược xuôi trên lòng sông. Các loại sản vật bán được treo lên cây sào (cây bẹo) ở phía trước mũi thuyền. Hòa mình vào không khí nhộn nhịp của buổi chợ, du khách còn có dịp quan sát, tìm hiểu sinh hoạt của những thế hệ gia đình thương hồ cùng chung sống trên ghe. Có những chiếc ghe như “căn nhà di động” trên sông nước với đầy đủ tiện nghi.

Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam (xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền) là một trong những ngôi chùa lớn nhất miền Tây Nam bộ với diện tích 4ha. Chùa được xây dựng theo kiến trúc Phật giáo thời Lý - Trần, bao gồm các hạng mục công trình chính là chính điện, tổ điện, lầu trống và gác chuông. Bên trong chính điện có tượng Phật Thích Ca bằng đồng nặng 3,5 tấn, tượng Bồ tát Phổ Hiền và Bồ tát Văn Thù, tượng Tổ Bồ Đề Đạt Ma và Trúc Lâm Tam Tổ. Ngoài ra, trong khuôn viên chùa còn có các hạng mục khác như: Quan âm điện, Di Lặc điện, chùa Một Cột, giảng đường, khách đường, trai đường, thư viện, phòng Đông y Nam dược…

Cùng với TP. Cần Thơ, tỉnh Bạc Liêu cũng được công nhận 3 điểm du lịch mới đó là: khu biển nhân tạo thuộc khu du lịch Nhà Mát, quảng trường Hùng Vương và khu nhà Công tử Bạc Liêu.

Khu biển nhân tạo thuộc khu du lịch Nhà Mát (phường Nhà Mát, TP. Bạc Liêu) được xem là bãi tắm nhân tạo lớn nhất ĐBSCL hiện nay với hệ thống tạo sóng biển hiện đại, các cầu trượt có độ cao gần 30m. Nguồn nước biển được lấy cách bờ hơn 3km. Khu vực biển nhân tạo được chia thành 3 tiểu khu dành cho thiếu nhi, dành cho người lớn và khu trò chơi cảm giác mạnh. Bên cạnh bãi tắm còn có dãy núi nhân tạo với nhiều hang động độc đáo, trên ngọn núi cao nhất có gắn chiếc đàn kìm tượng trưng cho vùng đất đờn ca tài tử Bạc Liêu. Nơi đây còn có sân khấu với sức chứa gần 2.000 chỗ ngồi; hệ thống cây xanh được tạo hình theo các loài động vật ngộ nghĩnh...

Được đánh giá là quảng trường đẹp nhất ĐBSCL, quảng trường Hùng Vương (phường 1, TP. Bạc Liêu) có diện tích 4ha, bao gồm các công trình, kiến trúc được bố trí thành một quần thể hài hòa, có tính thẩm mỹ cao và độc đáo như: Trung tâm Triển lãm VH-NT và nhà hát Cao Văn Lầu; biểu tượng cây đờn kìm cách điệu; biểu tượng 3 dân tộc Kinh - Khmer – Hoa; đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ; tượng đài sự kiện Mậu Thân; biểu tượng kết nghĩa Bạc Liêu – Ninh Bình; đài phun nước âm sàn cùng hệ thống cây xanh.

Nằm gần bờ sông Bạc Liêu, khu nhà Công tử Bạc Liêu (số 13 Điện Biên Phủ, phường 3, TP. Bạc Liêu) không chỉ là khách sạn đông khách nhất thành phố mà còn một thời là chốn ăn chơi gắn liền với tên tuổi của công tử Bạc Liêu - công tử nổi danh nhất xứ Nam Kỳ đầu thế kỷ 20. Được xây dựng năm 1919 do kỹ sư người Pháp thiết kế, khu nhà công tử Bạc Liêu nổi bật bởi kiến trúc lộng lẫy, bề thế với màu trắng sang trọng. Không chỉ đẹp về kiến trúc, nội thất trong nhà còn quy tụ vô số đồ gỗ, sứ, đồng... quý hiếm. Ngày nay, phần chính của căn biệt thự vẫn được giữ nguyên vẹn để phục vụ khách tham quan.

2 điểm du lịch còn lại được đưa vào danh mục 7 điểm du lịch tiêu biểu ĐBSCL năm 2014 là vườn quốc gia Tràm Chim và khu di tích Nguyễn Sinh Sắc thuộc tỉnh Đồng Tháp.

Với diện tích 7.588ha, vườn quốc gia Tràm Chim (thị trấn Tràm Chim, huyện Tam Nông) là một Ðồng Tháp Mười thu nhỏ, nơi sinh sống của nhiều loài thực vật cùng gần 200 loài chim nước, chiếm khoảng 1/4 tổng số loài chim ở Việt Nam, trong đó có nhiều loài quý hiếm trên thế giới. Loài chim điển hình nhất và được nhiều người biết đến ở đây là sếu đầu đỏ, cao trên 1,7m với bộ lông xám mượt, cổ cao, đầu đỏ và đôi cánh rộng. Đây là một trong số 15 loài sếu còn tồn tại trên thế giới đang có nguy cơ diệt chủng.

Cùng với vườn quốc gia Tràm Chim, khu di tích Nguyễn Sinh Sắc (phường 4, TP. Cao Lãnh) cũng là một trong những điểm đến ở Đồng Tháp thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước. Với diện tích 3,6ha, khu di tích được chia thành ba khu vực chính gồm: khu lăng mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, nhà sàn Bác Hồ và ao sen. Đây là quần thể kiến trúc văn hoá độc đáo, đã được Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích cấp quốc gia ngày 9/4/1992. 

Việc công nhận thêm các điểm du lịch mới, tiêu biểu của khu vực ĐBSCL không chỉ góp phần phát triển du lịch của địa phương và khu vực mà còn quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam tươi đẹp, giàu bản sắc và thân thiện tới bạn bè thế giới. 

Phạm Phương