Khai mạc Ngày thơ Việt Nam tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám
Cập nhật: 04/03/2007
Ngày thơ Việt Nam lần thứ 5 - điểm hội ngộ của các thi sĩ, công chúng yêu thơ - đã khai mạc sáng 3/3/2007 (ngày rằm tháng Giêng) tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Hà Nội.


Điệu múa rồng minh họa bài thơ "Nhớ Bắc" của Huỳnh Văn Nghệ: "Có ai về Bắc ta theo với/ Thăm lại non sông giống Lạc Hồng/ Từ thủa mang gươm đi mở cõi/ Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long" đã được chọn là tiết mục khai mạc Ngày thơ Việt Nam lần thứ 5 thay cho bài "Nam Quốc sơn hà" như 4 lần hội trước.

Lý giải về sự thay đổi này, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, cho biết 4 câu thơ của bài "Nhớ Bắc" đã thể hiện tấm lòng văn nghệ sĩ - trí thức hướng về Thủ đô Thăng Long - Hà Nội, mảnh đất ngàn năm văn vật của dân tộc, cũng là điểm đến hấp dẫn của bạn bè quốc tế hiện nay; thể hiện khí thế thời đại, sau khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của WTO.

Ngày thơ Việt Nam lần thứ 5 tại Hà Nội, có sự tham dự của hàng trăm nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình nổi tiếng, từ các thế hệ “lão làng'', các văn nghệ sĩ thời kháng chiến như Phạm Tiến Duật, Vũ Quần Phương, Nguyễn Thị Hồng Ngát... đến các nhà văn trẻ thế hệ 7x, 8x như Bình Nguyên Trang, Ly Hoàng Ly, Vi Thùy Linh, Phan Huyền Thư...

Ngay sau lễ khai mạc, trên các sân Thái Miếu và Thái Học, Thiên Quang Tỉnh đã diễn ra nhiều hoạt động thi ca sôi nổi. Trên sân Thái Miếu, nhà thơ Hữu Thỉnh đã khai dấu "Ngày thơ lần thứ 5" lên 3 bức thư pháp được 3 nhà thư pháp của câu lạc bộ UNESCO khai bút trên chiếu hoa, thảm đỏ. Ba bức thư pháp thể hiện những câu thơ tuyệt bút của cụ Nguyễn Trãi, Nguyễn Du và Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ được lưu giữ tại Bảo tàng Văn học Việt Nam.

Nhân dịp này Hội Nhà văn Việt Nam đã trao bằng khen cho 10 nhạc sĩ phổ nhạc thành công các bài thơ hay, góp phần tích cực đưa thơ đến với công chúng; trao bằng khen cho 5 nghệ sỹ ngâm thơ trên sóng phát thanh, truyền hình; bằng khen cho chương trình "Tiếng thơ đất nước" của Ban Văn nghệ, Đài Tiếng nói Việt Nam. Các nghệ sỹ trẻ của trường Văn hóa Nghệ thuật Quân đội biểu diễn nhiều ca khúc được phổ nhạc từ các bài thơ nổi tiếng; song ngâm và trình diễn thơ...

Phần thi câu đối đã được công chúng nhiệt liệt hưởng ứng với nhiều vế đối hay, thông minh, sắc sảo trong cách thức lựa chọn từ ngữ ứng đối. Ví dụ như: vế mời đối "Thịt lợn lòng heo kiêng ăn vào giờ Hợi" - về ứng đối "Năm gà tháng Dậu ngại viết đến chữ kê"; mời đối "Văn Miếu miếu văn nêu chữ đức" - ứng đối "Thạch bàn bàn thạch giữ lại thơ"... Giải nhất phần thi câu đối được trao cho ông Lí Văn Thông (Hà Nội).

50 chùm bóng đỏ mang theo 50 câu thơ hay nhất của các nhà thơ hiện đại Việt Nam, tượng trưng cho lịch sử 50 năm hình thành, phát triển của Hội Nhà văn Việt Nam (1957-2007) được thả lên trời mang theo niềm hi vọng về sự phát triển mạnh mẽ hơn nữa của thi ca Việt Nam trong tương lai.

Sự tham gia hào hứng của hàng ngàn người thuộc nhiều thế hệ cho thấy Ngày thơ Việt Nam - Rằm tháng Giêng đang trở thành một mỹ tục tốt đẹp của văn nghệ sĩ trên khắp mọi miền đất nước. Điều này cho thấy truyền thống yêu chuộng thơ văn, hòa bình của cha ông ta từ ngàn xưa đã được các thế hệ hôm nay gìn giữ và phát huy.
TTXVN