Các địa phương đẩy mạnh đầu tư cho phát triển du lịch
Cập nhật: 04/03/2014
(TITC) - Một nội dung quan trọng trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 là phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm; chú trọng phát triển theo chiều sâu đảm bảo chất lượng và hiệu quả, khẳng định thương hiệu và khả năng cạnh tranh. 

Thực hiện chủ trương đó, nhiều tỉnh thành trong cả nước đã có những hoạt động đầu tư mạnh mẽ cho phát triển du lịch như: năm 2014, Tiền Giang sẽ đầu tư 430 tỷ đồng để phát triển du lịch; trong đó, tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng hàng loạt các công trình phục vụ du lịch như Khách sạn Mekong Mỹ Tho, Khách sạn Cửu Long và Khách sạn Lạc Hồng đều thuộc địa bàn thành phố Mỹ Tho. Đồng thời, tỉnh tiếp tục đầu tư hoàn thiện Khu sinh thái nghỉ dưỡng trên cù lao Thới Sơn (thành phố Mỹ Tho), Khu du lịch sinh thái biển Tân Thành-Hàng Dương (Gò Công Đông) và Khu Bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười thuộc huyện Tân Phước.

Trong thời gian gần đây, còn có nhiều địa phương khác đầu tư cho du lịch như: Bắc Giang đã dành gần 42 tỷ đồng cho đề án phát triển Du lịch cộng đồng nhằm mục tiêu phát triển du lịch cộng đồng thành sản phẩm du lịch hấp dẫn của địa phương. Khánh Hòa đầu tư hơn 94 tỷ đồng cho quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững Khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà. Đà Nẵng dành gần 123 tỷ đồng đầu tư cho dự án cầu tàu và bến du thuyền bờ đông sông Hàn hứa hẹn tạo ra các sản phẩm du lịch cao cấp và góp phần tạo thêm điểm nhấn cho thế mạnh du lịch sẵn có của Đà Nẵng. Tỉnh Kiên Giang đã thu hút gần 200 dự án đầu tư chủ yếu là phát triển du lịch với khoảng 3.600 tỷ đồng rót vào đảo ngọc Phú Quốc.

Đặc biệt, mới đây Chính phủ đã phê duyệt dự án 55 triệu USD cho phát triển cơ sở hạ tầng du lịch các tỉnh Điện Biên, Lào Cai, Hà Tĩnh, Tây Ninh, Kiên Giang nhằm hỗ trợ ngành du lịch của 5 tỉnh trên khai thác thế mạnh với các sản phẩm du lịch đặc thù để quảng bá và thu hút du khách quốc tế.

Ngoài ra, Lâm Đồng và các tỉnh Tây Nguyên cũng đang đổi mới diện mạo cơ sở hạ tầng du lịch phục vụ cho Năm Du lịch Quốc gia 2014. Trong khi đó, Huế chú trọng đầu tư vào các dự án trùng tu di tích, đẩy mạnh phát triển du lịch nhân dịp Festival Huế 2014…

Như vậy, trong thời gian gần đây các địa phương đã thấy rõ được tầm quan trọng và ảnh hưởng của phát triển du lịch trong chiến lược phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương nên đã chủ động đầu tư bằng ngân sách địa phương và tạo điều kiện thông thoáng để thu hút các nguồn vốn đầu tư cho phát triển du lịch.

Hồng Nhung tổng hợp