Khánh Hòa cần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch
Cập nhật: 25/02/2014
Mới đây, Ban chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2012-2015 và tầm nhìn đến năm 2020 vừa có buổi làm việc với Sở VHTTDL Khánh Hòa, UBND TP. Nha Trang và các ban, ngành liên quan về công tác phát triển du lịch trong thời gian qua, định hướng phát triển du lịch của địa phương đến năm 2020, tìm giải pháp giúp du lịch Khánh Hòa tiếp tục phát triển, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trọng điểm của tỉnh trong thời gian tới.
 

Với nhiều tiềm năng, lợi thế, Nha Trang, Khánh Hòa đã và đang trở thành điểm đến ấn tượng với du khách trong và ngoài nước. Đặc biệt là từ năm 2010 đến nay, Nha Trang trở thành điểm đến yêu thích của nhiều du khách quốc tế, nhất là du khách Nga, Hàn Quốc, Úc… 

Trong đó, thị trường du khách Nga thời gian qua gia tăng đột biến và trở thành một trong những thị trường khách quốc tế hàng đầu tại Nha Trang. Nếu năm 2011, lượng du khách Nga đến Nha Trang mới đạt 34.317 lượt khách, thì đến năm 2012 đã tăng lên 78.000 lượt khách và con số này trong năm 2013 đạt gần 170.000 lượt… 

Trên cơ sở những kết quả đạt được, mục tiêu đề ra cho ngành du lịch Khánh Hòa đến năm 2020 là thu hút 5,2 triệu lượt khách lưu trú (với 1,4 triệu lượt khách quốc tế), doanh thu đạt 9.500 tỉ đồng; về cơ sở hạ tầng, chỉ tiêu đến năm 2020 sẽ đạt 18.000 phòng khách sạn… 

Đây là một chỉ tiêu khá khiêm tốn với một thành phố du lịch có nhiều lợi thế, tiềm năng như Nha Trang; tuy nhiên, nếu ngay từ bây giờ, ngành du lịch và các cơ quan chức năng của địa phương này không sớm triển khai những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng du lịch, quảng bá, thu hút du khách trong và ngoài nước thì mục tiêu đó cũng khó hoàn thành. Nhất là khi các địa phương trong khu vực miền Trung, Nam Trung Bộ cũng đang tập trung vào phát triển du lịch, tích cực quảng bá, thu hút du khách… 

Vấn đề đặt ra với ngành du lịch Khánh Hòa là bên cạnh những thành tựu vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, vướng mắc như việc đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch chưa đáp ứng kịp với tốc độ phát triển du lịch của địa phương; cơ sở vật chất phục vụ du lịch phát triển chưa cân đối, còn thiếu các cơ sở, các loại hình dịch vụ du lịch mới, các khu vui chơi giải trí, các trung tâm mua sắm…, đặc biệt là các điểm vui chơi về đêm, phục vụ du khách quốc tế hạng sang! Vẫn còn tồn tại tình trạng ép giá, chèo kéo, đeo bám, xâm hại tài sản, tính mạng du khách; công tác quản lý, giữ gìn vệ sinh, cảnh quan môi trường chưa chặt chẽ; ý thức của người dân về nếp sống văn hóa, văn minh, ứng xử, an ninh trật tự và an toàn giao thông vẫn còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, công tác quản lý hoạt động lữ hành, hướng dẫn viên du lịch, về chất lượng đội ngũ nguồn nhân lực du lịch trên địa bàn vẫn còn những mặt tồn tại. Tình trạng này đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường du lịch và khả năng cạnh tranh của địa phương… 

Trong buổi làm việc của Ban chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh Khánh Hòa với các cơ quan, ban, ngành mới đây, ông Trần Sơn Hải - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh chỉ đạo: Du lịch là ngành kinh tế trọng điểm, phát triển du lịch không chỉ làm lợi trực tiếp cho những doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh du lịch mà còn tạo động lực cho các ngành kinh tế khác, tạo công ăn, việc làm, nguồn thu rất lớn cho người dân, tạo điều kiện an sinh xã hội... Vì vậy, việc tháo gỡ những khó khăn hiện tại của ngành du lịch, nhất thiết phải có sự vào cuộc từ nhiều phía, kể cả cơ quan quản lý nhà nước lẫn người dân và các đơn vị kinh doanh, hoạt động trên lĩnh vực du lịch. 

Với vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình, Sở VHTTDL cần tăng cường phối hợp với các địa phương trong công tác quản lý ngành. Nên có sự đánh giá chính xác về những sản phẩm du lịch đã có; đồng thời, nghiên cứu, phát triển các sản phẩm du lịch mới, nhằm đa dạng hóa các sản phẩm du lịch để thu hút, phục vụ du khách. Hoạt động lữ hành, nhất là lữ hành quốc tế cần quản lý chặt chẽ hơn, tránh để xảy ra sai phạm, làm xấu đi hình ảnh du lịch của địa phương… 

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá du lịch cả trong và ngoài nước; xác định thị trường du khách trọng điểm, đối tượng khách du lịch cao cấp có mức chi tiêu cao, từ đó, chuẩn bị tốt các sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của dòng khách này. Đồng thời, đẩy mạnh công tác đào tạo nhân lực cho ngành du lịch, làm sao nguồn nhân lực được đào tạo phải phù hợp với nhu cầu thực tế của các doanh nghiệp, đặc biệt là ngoại ngữ…

Báo Văn hóa