Phát huy giá trị các di tích văn hóa lịch sử được xếp hạng
Cập nhật: 21/01/2014
Cùng với danh lam thắng cảnh thiên nhiên ban tặng, các di tích lịch sử văn hoá đã góp phần tạo cho Hoà Bình có sức hút với du khách thập phương. Hiện nay, toàn tỉnh có gần 70 di tích lịch sử danh thắng được Bộ VHTTDL và UBND tỉnh công nhận xếp hạng. Các di tích được địa phương đầu tư, chú trọng bảo tồn và phát huy được giá trị, góp phần làm phong phú đời sống văn hoá tinh thần cho nhân dân và thúc đẩy hoạt động du lịch trên địa bàn.  
 
chùa Tiên - Lạc Thuỷ - Hòa Bình

Theo thống kê của phòng VHTT huyện Yên Thuỷ, hiện nay trên địa bàn huyện có 49 di tích, trong đó có 8 di tích được xếp hạng (3 di tích cấp quốc gia và 5 di tích cấp tỉnh). Tại các địa phương có di tích đã xếp hạng đều đã thành lập được ban quản lý và đẩy mạnh công tác xã hội hoá nguồn kinh phí cho tôn tạo, phục dựng nên đã phát huy được giá trị về văn hoá, du lịch của các di tích. Đồng chí Nguyễn Quốc Hùng, phó phòng VHTT huyện Yên Thuỷ cho biết: di tích thường gắn với địa bàn KDC, đặc biệt là hệ thống đình, đền, chùa được xây dựng từ nguồn đóng góp của nhân dân và được chính người dân gìn giữ, trông coi, bảo vệ từ bao đời. Nhiều thôn, làng đã thành lập ban tự quản, tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa thiết thực bảo tồn và phát huy di tích. 

Trong những di tích được đầu tư, di tích đình Xàm, xã Phú Lai đã phát huy được giá trị về du lịch tâm linh và là nơi sinh hoạt văn hoá tinh thần của nhân dân. Năm 2010, huyện Yên Thủy khởi công xây dựng, tu bổ, tôn tạo phục dựng lại ngôi đình trên địa điểm cũ. Với nguồn kinh phí đầu tư của nhà nước được phê duyệt gần 11,4 tỷ đồng. Theo thiết kế, đình mới được xây hình trên cơ sở kiến trúc và kết cấu của ngôi đình xưa, đình hình chữ đinh gồm nhà hậu cung và nhà đình, 2 hạng mục này có tổng diện tích 230 m2, nhà thủ từ diện tích 27,6 m2, có tường bao xung quanh đình. Hiện tại, dự án phục dựng đình Xàm đã hoàn thiện và mở cửa đón khách. Năm 2013, đình đã đón từ 30.000 - 40.000 lượt khách thăm quan từ khắp các tỉnh, thành phố. Cùng với đình Xàm, các di tích khác cũng được đầu tư từ nguồn vốn của nhà nước, địa phương, nhân dân đóng góp như chùa Tiên - Lạc Thuỷ, đền Bờ - Cao Phong, chùa Hoà Bình Phật Quang tự -  Tp.Hoà Bình... 

Các di tích được công nhận xếp hạng đều được chính quyền địa phương thành lập ban quản lý di tích, có trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn, phát huy giá trị của di tích. Từ năm 2001 đến nay, Bộ VHTTDL đã hỗ trợ tỉnh hàng chục tỷ đồng cho việc bảo tồn, tôn tạo hệ thống di tích lịch sử văn hóa của tỉnh. Với phương châm “nhà nước và nhân dân cùng làm”, công tác xã hội hóa trong bảo tồn di tích đã thu hút được sự đóng góp tiền mặt và ngày công lao động của nhân dân, góp phần bảo tồn các di tích khang trang sạch đẹp hơn. Nhiều di tích trở thành những địa chỉ hấp dẫn khách thăm quan du lịch. 

Cùng với các hoạt động bảo vệ, tôn tạo, việc phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa đã góp phần phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” trong cộng đồng dân cư thông qua việc tổ chức lễ hội như: lễ hội chùa Tiên (Lạc Thuỷ), xên Mường (Mai Châu), khai hạ Mường Bi (Tân Lạc)...  từ đó đã góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hoá tinh thần của người dân địa phương. 

Năm 2013, tỉnh có thêm 2 di tích xếp hạng đó là quần thể hang động danh thắng mái đá Niệm (xã Phú Thành - Lạc Thuỷ) được Bộ VHTTDL công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia và đình Cời (xã Tân Vinh - Lương Sơn) được UBND tỉnh xếp hạng di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh. Đến nay, các địa phương tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, lý lịch di tích gửi về bảo tàng tỉnh. Theo ông Lê Quốc Khánh, phó Giám đốc bảo tàng tỉnh, để bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa đạt hiệu quả ngày càng cao, các ngành chức năng cần nghiên cứu, khảo sát, đánh giá đúng thực trạng các di sản văn hóa, trên cơ sở đó xây dựng quy hoạch tổng thể bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa một cách khoa học. Từng bước đầu tư có hiệu quả để trùng tu, tôn tạo, quản lý, khai thác và phát huy các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh; làm tốt việc sưu tầm, bảo quản các tài liệu, hiện vật. Đồng thời cần đẩy mạnh xã hội hóa trong bảo tồn, phát huy giá trị của di tích lịch sử văn hóa. Tuyên truyền, giáo dục rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm bảo vệ các di tích lịch sử văn hoá tại địa phương.

Báo Hòa Bình