Đưa Mộc bản triều Nguyễn đến gần hơn với công chúng
Cập nhật: 27/12/2013
Mộc bản Triều Nguyễn đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV, thành phố Đà Lạt, là một trong những khối tài liệu lưu trữ quý hiếm nhất của Phông lưu trữ quốc gia Việt Nam, đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới vào ngày 31/7/2009. Đây là niềm tự hào không chỉ riêng của ngành lưu trữ mà còn là niềm tự hào của cả dân tộc Việt Nam.

Di sản quý hiếm

Việc UNESCO vinh danh khối tài liệu Mộc bản triều Nguyễn đã khẳng định tài liệu này có giá trị nhiều mặt, như phương pháp chế tác tinh xảo, đặc biệt là nội dung ghi chép, phản ánh lịch sử Việt Nam qua các thời đại, từ Hùng Vương dựng nước đến triều Nguyễn.

Ngoài ra, khối tài liệu này còn có giá trị đặc biệt khi nghiên cứu lịch sử, văn hóa của một số nước trên thế giới như Lào, Campuchia, Thái Lan, Trung Quốc, Pháp, Mỹ, Bồ Đào Nha...

Ông Nguyễn Xuân Hùng - Phó Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV, cho biết: “Trong khối di sản quý hiếm này còn chứa đựng nhiều tài liệu có nội dung khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đây là tư liệu quý, cung cấp cho giới nghiên cứu và du khách trong và ngoài nước nguồn sử liệu đáng tin cậy và phong phú khi khảo cứu về lịch sử - văn hóa Việt Nam.”

Mộc bản là những bản gỗ khắc chữ Hán hoặc chữ Nôm ngược, bao gồm những ván khắc các tác phẩm chính văn, chính sử của triều Nguyễn; những ván khắc kinh điển của Nho gia và những ván khắc từ thời Nguyễn, được chuyển từ Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội) về lưu trữ ở Quốc Tử Giám (Huế) vào thời Vua Minh Mạng và Thiệu Trị. Đây là những ván khắc dùng để in ra thành sách, được dùng phổ biến ở Việt Nam trong thời kỳ phong kiến.

Theo sử sách ghi lại, những bản khắc in đầu tiên ở Việt Nam có từ những năm đầu công nguyên, tại trung tâm Phật giáo Luy Lâu (nay thuộc tỉnh Bắc Ninh) để in tài liệu kinh phật đầu tiên của Việt Nam. Những Mộc bản hiện nay còn giữ lại được, có niên đại vào khoảng thế kỷ 17 (1665), là sách 'Bách pháp Minh môn Luận trực giải,' hiện ở kho sách của Viện Nghiên cứu Hán Nôm có bản in năm 1665.

Đối với tài liệu Mộc bản Triều Nguyễn, phần lớn Mộc bản được khắc vào thời nhà Nguyễn (1802-1945). Nội dung của khối tài liệu Mộc bản Triều Nguyễn rất phong phú và đa dạng, phản ánh mọi mặt xã hội Việt Nam trong thời kỳ phong kiến như lịch sử, địa lý, chính trị-xã hội, quân sự, pháp chế, văn hóa-giáo dục, tôn giáo-tư tưởng-triết học, văn thơ, ngôn ngữ-văn tự. Tổng cộng có 152 đầu sách với 1.953 quyển.

Số lượng tài liệu Mộc bản triều Nguyễn đang được bảo quản trong kho chuyên dụng ở Đà Lạt là 34.619 tấm, tương đương 55.320 mặt khắc Mộc bản.

Phát huy giá trị tài liệu Mộc bản Triều Nguyễn

Hiện nay, Mộc bản Triều Nguyễn được bảo vệ và bảo quản rất cẩn mật. Khối tài liệu quý này được bảo vệ trong một kho chuyên dụng đặc biệt. Đồng thời, nhằm bảo quản an toàn và phát huy có hiệu quả giá trị của khối tài liệu đặc biệt quý hiếm này, hiện chúng được sao lưu, in rập ra giấy dó và số hóa có phần mềm bảo vệ và khai thác sử dụng.

Ông Nguyễn Xuân Hùng cho biết thêm, những năm qua, Trung tâm đã phát huy giá trị tài liệu Mộc bản Triều Nguyễn bằng nhiều hình thức như giới thiệu quảng bá trong nước và toàn thế giới, giới thiệu qua các tạp chí, phương tiện thông tin khác.

Sau khi mở cửa đón khách, giới thiệu các phiên bản tài liệu Mộc bản, nhiều du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, nghiên cứu.

Từ di sản quý giá này, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV cũng đã xuất bản 8 cuốn sách giới thiệu Mộc bản như sách 'Hoàng Sa và Trường Sa qua tài liệu Mộc bản Triều Nguyễn-Di sản thế giới'; sách 'Mộc bản Triều Nguyễn-Đề mục tổng quan'; sách 'Khoa bảng Thăng Long-Hà Nội qua tài liệu Mộc bản'; 'Chiếu dời đô và một số kiệt tác'...

Trong những ngày diễn ra Tuần Văn hóa - Du lịch Đà Lạt 2013 (từ ngày 27 - 31/12), du khách sẽ có thêm sự lựa chọn thú vị. Du khách sẽ không khỏi ngỡ ngàng khi đến với Phòng trưng bày tài liệu lưu trữ chuyên đề “Mộc bản Triều Nguyễn-Di sản tư liệu thế giới.” Phòng trưng bày này sẽ lần đầu tiên mở cửa đón khách tham quan kho bản gốc Mộc bản Triều Nguyễn.

Vietnam+