Cần phát triển loại hình du lịch tâm linh
Cập nhật: 11/12/2013
Nắm bắt được nhu cầu của đông đảo người dân, các công ty du lịch lữ hành đã đầu tư vào lĩnh vực du lịch tâm linh. Du lịch tâm linh không chỉ đơn thuần là hoạt động hành hương, tôn giáo tín ngưỡng thuần túy mà còn là động lực thúc đẩy sự giao lưu văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội. Đó cũng là cách thức để thế hệ hôm nay bày tỏ sự tưởng nhớ đối với công lao của các bậc tiền bối.
Chùa Minh Thành ở Gia Lai

Du lịch tâm linh thực chất là loại hình du lịch văn hóa, lấy yếu tố văn hóa tâm linh làm mục tiêu nhằm thỏa mãn nhu cầu tâm linh của con người trong đời sống tinh thần. Do đó, việc sử dụng có trách nhiệm và bền vững các giá trị văn hóa và tự nhiên trong phát triển du lịch tâm linh sẽ mang lại cơ hội việc làm, tạo thu nhập cho người dân địa phương, góp phần thúc đẩy giao lưu văn hóa, tăng cường tình đoàn kết giữa các dân tộc, tôn giáo, khôi phục và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của mỗi quốc gia cũng như toàn nhân loại. Mô hình du lịch này hiện đang rất phát triển tại nhiều nước theo Phật giáo trên thế giới như Nepal, Ấn Độ và các nước trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Lào, Myanmar… 

Hầu hết các địa phương ở nước ta đều có những điểm du lịch tâm linh như: đền Hùng (Phú Thọ), chùa Hương (Hà Nội), chùa Bái Đính và nhà thờ đá Phát Diệm (Ninh Bình), chùa Thiên Mụ (Thừa Thiên-Huế), núi Bà Đen và Thánh thất Cao Đài (Tây Ninh)… Một trong những tỉnh đi đầu và thành công trong loại hình du lịch này là chùa Bái Đính, ở đây, người dân địa phương được chủ động tham gia vào các hoạt động phục vụ khách du lịch tại các điểm du lịch tâm linh: chèo đò, xích lô, bán hàng lưu niệm, hướng dẫn, tiêu thụ sản vật địa phương, phục vụ ăn uống… mang lại nguồn thu đáng kể. 

Gia Lai có thế mạnh về tài nguyên văn hóa bản địa của cộng đồng dân tộc Bahnar, Jrai đa dạng. Cùng với đó, trên địa bàn có nhiều ngôi chùa có khả năng khai thác du lịch tâm linh. Đó là chùa Bửu Minh nằm yên tĩnh giữa một Biển Hồ chè xanh bát ngát như là một khoảng lặng giữa phố núi Pleiku; chùa Minh Thành nằm trên đường Nguyễn Viết Xuân cách trung tâm Tp.Pleiku khoảng 2km, là một quần thể kiến trúc Phật giáo rộng lớn tọa lạc trên ngọn đồi thoai thoải ở phía Tây Nam của thành phố, là ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất ở Tây Nguyên; chùa Bửu Nghiêm là Văn phòng ban trị sự Phật giáo của tỉnh Gia Lai… Nếu các công ty lữ hành chủ động thực hiện các chương trình liên kết phát triển du lịch tâm linh giữa các điểm du lịch tâm linh và các điểm du lịch khác mỗi chương trình tour đồng thời thỏa mãn các nhu cầu thưởng ngoạn, thư giãn và tín ngưỡng sẽ thu hút khách du lịch trong và ngoài nước, làm mới diện mạo du lịch của tỉnh nhà. 

Hội nghị quốc tế về du lịch tâm linh vì sự phát triển bền vững lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam đã cho thấy sự quan tâm của Việt Nam trước sự phát triển của loại hình du lịch này. Trong quá trình phát triển du lịch tâm linh phải luôn gắn với phát huy các giá trị văn hóa, bảo vệ môi trường, cảnh quan để du khách có thể cảm nhận được nét đẹp văn hóa của con người ở vùng đất đó. Bên cạnh đó, phải có sự tham gia của chính người dân địa phương trong việc bảo tồn và gìn giữ các giá trị di sản văn hóa của địa phương, tạo sự kết nối để hình thành các tuyến du lịch tâm linh chuyên đề tạo ra những trải nghiệm hết sức ấn tượng cho du khách.

Báo Gia Lai