Tọa đàm “Liên kết phát triển du lịch Hà Nội - Huế - Đà Nẵng - TP. Hồ Chí Minh”
Cập nhật: 24/09/2013
Chiều ngày 21/9, Sở VHTTDL Thừa Thiên Huế đã phối hợp với Hiệp hội Khách sạn Thừa Thiên Huế tổ chức Tọa đàm “Liên kết phát triển du lịch Hà Nội - Huế - Đà Nẵng - TP. Hồ Chí Minh”.
Đây là một nội dung trong khuôn khổ các hoạt động của đoàn Famtrip gồm 30 hãng du lịch quốc tế đang có mặt tại Huế.

Buổi tọa đàm diễn ra với các nội dung: Huế là một điểm đến hấp dẫn và đổi mới trực tiếp đến với các hãng du lịch quốc tế sau thời gian sân bay Phú Bài đóng cửa để nâng cấp và hiện đã hoạt động trở lại; kế hoạch tổ chức Festival- Huế 2014 thông qua các hãng lữ hành; Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế báo cáo các chương trình kích cầu du lịch cũng như các dịch vụ mới của Quần thể Di tích Cố đô Huế sau 20 năm được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới, 10 năm Nhã nhạc Cung đình được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Theo đó, tại buổi tọa đàm, Sở VHTTDL Thừa Thiên Huế đã báo cáo những kết quả ngành du lịch tỉnh đạt được trong 8 tháng qua, đồng thời xác định các nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai thực hiện trong thời gian tới.

Cùng với đó, Trung tâm Festival Huế cũng giới thiệu về những hoạt động chính, đặc sắc trong Festival Huế 2014. Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế giới thiệu đến các công ty lữ hành các hoạt động "Tuần lễ vàng du lịch" năm 2013 và những dịch vụ mới của Trung tâm trong thời gian tới…

Ngoài ra, đại diện cảng hàng không quốc tế Phú Bài cũng có nội dung thông báo về việc đưa sân bay vào hoạt động trở lại sau thời gian nâng cấp.

  Các đại biểu cũng trao đổi, thảo luận về vấn đề liên kết chặt chẽ để phát triển du lịch giữa các địa phương trong khu vực. Để liên kết hiệu quả thì Huế phải xây dựng sản phẩm du lịch chất lượng, quảng bá tốt, có đội ngũ phục vụ được trang bị ngoại ngữ, làm sạch môi trường du lịch để tạo an toàn và sự an tâm cho du khách… Đại diện ngành du lịch các địa phương: Hà Nội, Huế, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh cho biết, sẽ tăng cường hợp tác với các nội dung như: hỗ trợ quảng bá, xây dựng tour phục vụ khách, chương trình khuyến mãi; xúc tiến quy hoạch, kêu gọi đầu tư, liên kết tổ chức các sự kiện của từng địa phương…

Bên cạnh đó, sau 2 ngày khảo sát các tuyến, điểm du lịch, các hãng lữ hành đánh giá cao tiềm năng, lợi thế, đồng thời đưa ra những góp ý để du lịch Thừa Thiên Huế phát triển trong thời gian tới. Theo các hãng lữ hành, ngoài các sản phẩm du lịch truyền thống về di sản văn hóa, du khách rất quan tâm đến loại hình du lịch biển, đầm phá, du lịch nghỉ dưỡng... Các khu du lịch nghỉ dưỡng lớn như: Laguna Lăng Cô, Ana Mandara Huế, Khu du lịch nghỉ dưỡng nước khoáng nóng Thanh Tân, Mỹ An... là những điểm nhấn và lợi thế lớn giúp Huế thu hút được nhiều đối tượng khách trong thời gian tới. Cùng với việc khai thác nguồn khách Âu-Mỹ, Huế cần quan tâm khai thác tiềm năng của nguồn khách nội địa và xây dựng các sản phẩm du lịch mới phù hợp với khách nội địa. Cảng hàng không quốc tế Phú Bài đã hoàn thành việc nâng cấp, sửa chữa, Huế cần mở thêm nhiều đường bay, nhất là đường bay quốc tế trực tiếp.

Phát biểu kết luận tại toạ đàm, ông Ngô Hòa, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế ghi nhận và nghiêm túc tiếp thu những ý kiến quý báu của các hãng lữ hành đồng thời bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp tiếp tục phối hợp, hỗ trợ, hợp tác để du lịch Thừa Thiên Huế ngày càng phát triển.
Cinet